Ngập trong nợ nần, "đại gia" Phú Yên tiếp tục chuyển nhượng tài sản các dự án
(Dân trí) - Để xử lý khó khăn về tài chính, HĐQT Công ty CP Thuận Thảo cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Tổng giám đốc thanh lý, chuyển nhượng tài sản của các dự án, chuyển nhượng một hoặc một số lĩnh vực kinh doanh để giảm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân…
Theo nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên của Công ty CP Thuận Thảo (mã CK: GTT), kế hoạch doanh thu năm 2019 là 48,5 tỷ đồng, lỗ sau thuế là 170 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính quý I, doanh thu Thuận Thảo thu về vỏn vẹn hơn 4,3 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế âm gần 41 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ hơn 42 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo GTT, nguyên nhân chủ yếu là do các tài sản đã hoạt động nhiều năm, xuống cấp, trong khi đó khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để có nguồn đầu tư nâng cấp.
GTT thừa nhận, việc đầu tư của dự án Khu du lịch sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Trong khi đó, dự án khách sạn đầu tư với tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương, lượng khách ngoài tỉnh hạn chế do hạn chế sản phẩm du lịch; các dự án đầu tư tại tỉnh Phú Yến chậm hoặc không triển khai nên việc khai thác không hiệu quả.
Công ty cũng cho biết đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ từ những năm trước nhưng thu hồi không được nên cũng đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính. Công ty không còn vốn lưu động để sản xuất kinh doanh.
Để xử lý khó khăn về tài chính, HĐQT tiếp tục chỉ đạo Ban Tổng giám đốc thanh lý, chuyển nhượng tài sản của các dự án, chuyển nhượng một hoặc một số lĩnh vực kinh doanh để giảm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân…
Thuận Thảo là một trong những trường hợp điển hình cho việc rủi ro trong đầu tư dàn trải bất động sản.
Nổi lên như một đại gia lừng lẫy đất Phú Yên trong giai đoạn 2009 - 2010, ngoài việc tăng vốn thần tốc, GTT đã vay tiền ngân hàng để đầu tư vào các dự án bất động sản…
Sau khi bước chân vào kinh doanh lĩnh vực bất động sản thì vận xui luôn đeo bám khiến Công ty Thuận Thảo nợ nần chồng chất hàng nghìn tỷ đồng, thua lỗ triền miên từ năm 2014 cho đến nay.
Năm 2018 Thuận Thảo lỗ 190 tỷ đồng. Trong quý đầu năm nay, công ty tiếp tục báo lỗ thêm 40 tỷ đồng do doanh thu không đủ bù đắp các khoản chi phí lớn như lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn hiện trên 740 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là hình thành từ nợ.
Cuối năm 2018, Công ty Bán đấu giá Lam Sơn đã thông báo bán đấu giá lần thứ tư khoản nợ của Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân. Dù được giảm giá từ 1.200 tỷ xuống còn 843 tỷ đồng nhưng vẫn chưa có người mua.
Khoản nợ hiện là tài sản thuộc sở hữu của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Tính đến cuối quý 1/2019, vốn chủ sở hữu của GTT đang âm 863,9 tỷ đồng do khoản lỗ lũy kế đã lên tới 1.310 tỷ. Trong khi đó, nợ phải trả của doanh nghiệp đang là 1.605 tỷ đồng.
Nguyễn Mạnh