Lý giải chuyện chủ đầu tư TP.HCM thi nhau “chạy” ra thị trường BĐS Hà Nội

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, các nhà đầu tư TP. HCM và nước ngoài mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, sẽ tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội.

Chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn còn đi sau thị trường phía Nam

Thị trường Hà Nội đang được kỳ vọng có những diễn biến mới với sự góp mặt của các chủ đầu tư từ TP. Hồ Chí Minh và các chủ đầu tư nước ngoài.

Nhận định về xu hướng dịch chuyển này, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, do thị trường Hà Nội sở hữu các yếu tố thuận lợi nhất định để trở thành một thị trường đầy tiềm năng.

Lý giải chuyện chủ đầu tư TP.HCM thi nhau “chạy” ra thị trường BĐS Hà Nội - 1

Các nhà đầu tư TP. HCM và nước ngoài mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, sẽ tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội.

“Không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dành sự quan tâm đặc biệt với thị trường Hà Nội”, bà Hằng nhận định.

Theo vị chuyên gia này, có 3 yếu tố chính khiến thị trường Hà Nội trở thành một thị trường tiềm năng. Thứ nhất, pháp lý là một trong những yếu tố khiến các nhà đầu tư yên tâm.

Thứ hai, các nhà đầu tư TP. HCM và nước ngoài mong muốn mang lại một làn gió mới, xu hướng phát triển mới cho thị trường Hà Nội, sẽ tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với các chủ đầu tư Hà Nội.

“Mặc dù các chủ đầu tư ở Hà Nội bắt đầu chú trọng đến việc phát triển điều kiện hạ tầng, đầu tư tiện ích và cải thiện quy trình bàn giao. Tuy nhiên, trong con mắt của các nhà đầu tư TP. HCM, nhìn chung chất lượng các dự án ở Hà Nội vẫn còn đi sau thị trường phía Nam”, bà Hằng nói.

Thứ ba, theo vị này, bản thân các chủ đầu tư có đủ khả năng và năng lực để kết hợp với các nhà đầu tư tạo ra các sản phẩm vừa túi tiền mà vẫn có thể đáp ứng được kỳ vọng của chủ đầu tư.

Khó khăn lớn của chủ đầu tư TP.HCM khi tiến ra Hà Nội là vấn đề giá

Ở góc độ đầu tư, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội cho rằng các chủ đầu tư tại TP. HCM có thế mạnh trong việc phát triển đa dạng các mô hình kinh doanh nhà ở. Tuy nhiên, tại thị trường Hà Nội, các chủ đầu tư từ TP. HCM lại không có nhiều lợi thế.

Lý giải chuyện chủ đầu tư TP.HCM thi nhau “chạy” ra thị trường BĐS Hà Nội - 2

bBà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội.

Theo bà Minh, đa phần các dự án nhà ở Hà Nội được đầu tư bởi các chủ đầu tư xuất phát từ Hà Nội và chất lượng thị trường chung cư nhà ở Hà Nội có phần thấp hơn so với TP. HCM. Tuy nhiên, nguồn đất tại TP. HCM đang ngày càng khan hiếm, do đó, với một nguồn lực lớn như vậy đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển từ TP. HCM ra Hà Nội để tìm kiếm những cơ hội mới.

Cái khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư từ TP. HCM là tìm kiếm các dự án tiềm năng và cơ hội hợp tác với chủ đất tại Hà Nội. Để khắc phục điều đó, bà Minh cho rằng các nhà đầu tư đang đưa ra các cấu trúc giao dịch linh hoạt, đẩy mạnh ưu thế về tính sáng tạo trong phát triển dự án để khuyến khích cơ hội hợp tác với các chủ đầu tư tại Hà Nội.

"Tỉ lệ đầu tư trước đây các nhà đầu tư yêu cầu chiếm ưu thế trên 76%, bây giờ tỉ lệ có thể linh động hơn với 51%, để có thể có cơ hội đặt chân vào thị trường Hà Nội”, bà Minh nói.

Phân tích sâu hơn, bà Đỗ Thu Hằng cho rằng các chủ đầu tư từ TP. HCM sẽ cân nhắc tâm lý khách hàng là một trong những thách thức lớn, vì họ có thể chưa hiểu tường tận về nhu cầu và thị trường bất động sản Hà Nội, cụ thể là về giá.

Tại TP. HCM, những dự án tại trung tâm thành phố có thể lên đến và trên 10.000 USD/ m2. Tuy nhiên, ở Hà Nội, những dự án như vậy rất là ít và rất khó bán. Do đó, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bất động sản nhà ở, tuy nhiên, thấu hiểu thị trường Hà Nội để đạt được thành công là một thử thách với các chủ đầu tư, chuyên gia Savills nhận định.

Theo dữ liệu của Savills Việt Nam trong quý 3/2020, TP. HCM vẫn giữ vị thế là một thị trường hấp dẫn, ghi nhận mức tăng trưởng tích cực và sôi động hơn khi cơ sở hạ tầng dần được hình thành, thu hút sự hứng thú của cả các chủ đầu tư trong nước, quốc tế, và đặc biệt là sự mở rộng sang các địa phận lân cận.

Trên thực tế, thị trường TP. HCM đã hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư Hà Nội, các dự án tại thị trường này đang có sức hút và sức cạnh tranh rất lớn. Với hiện tượng giá bất động sản tại TP. HCM tiếp tục tăng cao, sức nóng của thị trường này vẫn là tâm điểm của nhiều nhà đầu tư.

Trong khi đó, thị trường Hà Nội trong quý 3 ghi nhận nguồn cung sơ cấp đạt 29.200 căn hộ, tỷ lệ hấp thụ đạt 20%, khoảng 3.100 căn hộ mở bán mới, nguồn cầu giảm trong đó nhu cầu căn hộ bình dân tăng nhanh trong thời gian qua.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng “Thị trường Hà Nội tiếp tục nhạy cảm về giá và bất ổn với việc thiếu nguồn cung Hạng A. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường sẽ phục hồi hoàn toàn nhờ tăng trưởng kinh tế và dân số trong dài hạn”.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho biết, dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển về thị trường miền Bắc khiến cho khu vực này ghi nhận lượng quan tâm cao. Nhiều nhà đầu tư tại khu vực miền Nam đang có xu hướng Bắc tiến do thị trường bất động sản khu vực miền Bắc có nhiều sự lựa chọn hơn.

"Các chủ đầu tư trong miền Nam cần có những chiến lược phát triển làm sao có thể thu hút dòng tiền quay trở lại TPHCM. Theo quan điểm của tôi, trong tương lai gần, dòng tiền vào bất động sản vẫn sẽ tiếp tục hướng ra phía Bắc, tuy nhiên thị trường sẽ có sự điều chỉnh thêm trong năm 2021", ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.