Lùi thông qua gần 1 năm, "số phận" Luật Đặc khu sẽ ra sao?

(Dân trí) - Sau một thời gian trì hoãn, dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc theo hướng xây dựng một luật chung.

dk-15287027490751605472928.jpg

Dự án Luật Đặc khu đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hoàn thiện.

Tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 do Chính phủ vừa gửi lên Quốc hội cho biết, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Theo đó, dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ được hoàn chỉnh theo hướng xây dựng một luật chung.

Theo Chính phủ, chỉ đạo này được thực hiện Nghị quyết số 64/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, tại Thông báo số 116/TB-VPCP ngày 30/7/2018 của Văn phòng Chính phủ về kết luận tại buổi họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Liên quan tới Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định cho nhà đầu tư thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm (quy định hiện hành tối đa là 70 năm) và một số ưu đãi được cho không cần thiết.

Sau đó, tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2018, Quốc hội đã cho ý kiến về việc rút nội dung biểu quyết thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Luật Đặc khu).

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự án Luật Đặc khu là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, phức tạp, còn nhiều ý kiến, Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ lùi chương trình dự án luật để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Kết quả biểu quyết có 423 đại biểu tán thành, tương đương 85,63% đồng ý rút nội dung biểu quyết thông qua dự án luật và nghị quyết về thi hành luật này.

Tiếp đó, thông tin trước phiên khai mạc diễn ra vào tháng 10, Quốc hội cho biết, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục chuẩn bị, lấy ý kiến rộng rãi, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

“Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến xác đáng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội” – báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu đề nghị Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp này.

Phương Dung