Doanh thu bất ngờ của công ty địa ốc Việt có tài sản gần 4 tỷ USD

Mộc An

(Dân trí) - Cuối năm 2024, tổng tài sản của VEFAC đạt mức 98.380 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với đầu năm. Quy mô tài sản chỉ kém 2 ông lớn bất động sản là Vinhomes và Novaland.

Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC - mã chứng khoán: VEF) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với số liệu gây bất ngờ. Doanh thu thuần của doanh nghiệp này trong quý vừa qua là hơn 126 triệu đồng, giảm 99% so với mức 6,2 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng vọt lên 560 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước, là lãi từ các khoản cho vay và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp này.

Trong kỳ vừa qua, chi phí tài chính của doanh nghiệp ở mức 8,1 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với quý IV/2023. Chi phí bán hàng ở mức 15,1 tỷ đồng, gấp gần 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi trừ các chi phí, VEFAC lãi sau thuế 434,4 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế năm 2024, công ty này ghi nhận doanh thu 4,6 tỷ đồng, giảm 48,8% so với năm 2023. Nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế của VEFAC đạt 698,8 tỷ đồng, tăng gần 61%.

Tìm kiếm lợi nhuận dựa trên hoạt động tài chính thay vì hoạt động kinh doanh cốt lõi vốn là đặc trưng của công ty này. Giai đoạn 2018-2022, lợi nhuận từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp lớn hơn lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.

Điểm đáng chú ý, tổng tài sản của công ty này đạt mức 98.380 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn ở mức hơn 87.994 tỷ đồng, gấp 13 lần so với đầu năm 2024.

Những khoản mục trong tài sản ngắn hạn có biến động mạnh gồm tiền mặt ở mức 1.209,5 tỷ đồng (gấp gần 103 lần), phải thu ngắn hạn khác ở mức 56.567 tỷ đồng (gấp 320 lần), hàng tồn kho đạt 22.083 tỷ đồng (gấp 17,4 lần).

Phần lớn khoản phải thu này là phải thu đối với Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) về hoạt động bất động sản. Còn hàng tồn kho là các chi phí thực hiện đầu tư dự án khu đô thị mới tại huyện Đông Anh, chủ yếu là tiền đất phải nộp.

Quy mô tài sản doanh nghiệp này chỉ còn kém 2 doanh nghiệp khác trong ngành bất động sản khác là Vinhomes và Novaland trên sàn chứng khoán.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, khoản nợ phải trả tại cuối quý IV/2024 gần 94.605 tỷ đồng, gấp 14 lần so với hồi đầu năm và gấp 28 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, số tiền người mua trả tiền trước hạn ở mức 63.261 tỷ đồng. Các khoản phải trả ngắn hạn khác là 23.279 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt mức 3.340 tỷ đồng.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của công ty này là Tập đoàn Vingroup với tỷ lệ sở hữu 83,32%. Phần sở hữu còn lại thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cổ đông khác.

VEFAC được biết đến là công ty con của Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC), với tỷ lệ sở hữu trực tiếp hơn 83% vốn. Doanh nghiệp này là chủ dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại Đông Anh hồi tháng 8/2024.

Theo nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, VEFAC đang hợp tác cùng Vinhomes thực hiện dự án khu đô thị mới Vinhomes Global Gate. VEFAC sẽ được hưởng 95% toàn bộ lợi ích thu được từ dự án còn Vinhomes được hưởng 5%.

Ngày 16/1, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 241 về việc cho phép Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam điều chỉnh tên người sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng gần 68.383m2 đất tại 148 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình để thực hiện dự án Tổ hợp hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, văn hóa.

Trong đó, hơn 40.435m2 là đất khu chức năng hỗn hợp kết hợp khu thương mại dịch vụ, kinh doanh văn phòng. Hình thức sử dụng đất Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Thời hạn thuê đất là 50 năm kể từ ngày ký quyết định cho thuê đất.

Dự án có hơn 8.814m2 đất trường học liên cấp. Hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm. Thời hạn thuê đất là 50 năm kể từ ngày ký quyết định cho thuê đất.