Lễ tang giữa đại dịch cho những linh hồn mất tích

Tư Phượng

(Dân trí) - Với nhiều người Nhật, quá trình tái thiết vật chất đã có bước tiến đáng kể, nhưng một thập kỷ hầu như chưa đủ để xoa dịu nỗi đau của người ở lại.

Ngày 11/3/2021, nước Nhật chìm trong nước mắt và lời cầu nguyện. Thời khắc 14h46 chiều ngày 11/3, đúng một thập kỷ sau trận động đất lớn làm rung chuyển miền đông và đông bắc Nhật Bản, đặc biệt là Fukushima, Iwate và Miyagi, gây ra sóng thần và thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ cuộc khủng hoảng Chernobyl năm 1986, cả quốc đảo này đã dành một phút mặc niệm, nhằm tưởng nhớ 22.000 sinh mạng đã ra đi.

Lễ tang giữa đại dịch cho những linh hồn mất tích - 1
Nhiều người đứng trước biển, cầu nguyện cho những linh hồn mất tích do thảm họa kép 10 năm trước tại vùng Đông bắc nước Nhật.

10 năm trôi qua, thảm họa kép ngày ấy đã khiến nước Nhật, quốc gia vốn nghèo tài nguyên năng lượng, buộc phải xem xét lại vai trò của hạt nhân và các biện pháp chống thiên tai trong mọi kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội. Dù các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường sá, đô thị, dịch vụ đã được xây dựng lại tại chính các vùng đất thảm họa, nhưng 41.000 người vẫn chưa trở lại quê hương vì lo ngại động đất tái diễn và xử lý phóng xạ quanh nhà máy điện.

Theo thống kê, số lượng người chết trong động đất và sóng thần lần lượt là 15.900 người và 2.525 người, nhưng số người qua đời do các nguyên nhân liên quan đến thảm họa như bệnh tật, tự tử lại lên tới 3.775 người.

Tại thành phố Ishinomaki trực thuộc tỉnh Miyagi, nơi có nhiều người chết nhất do thảm họa, một một buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức vào chiều qua tại khu phức hợp mới được xây dựng Maruhon Makiato Terrace - biểu tượng tái thiết sau sự kiện ngày 11/3. Thành viên trong các gia đình có người tử nạn đã đến viếng mộ, và đặt những vòng hoa dọc bờ biển, đọc lời cầu nguyện cho những người ra đi mà chưa tìm thấy thân xác.

Lễ tang giữa đại dịch cho những linh hồn mất tích - 2
Một người đàn ông và vợ cầu nguyện tại nghĩa trang Otsuchi vào ngày 11/3/2021, nhân kỷ niệm 10 năm thảm họa.

Trong những cơn gió se lạnh của buổi chiều tối, hàng trăm ngọn nến được thắp lên quanh tấm biển "Cố lên, Ishinomaki!" và thông điệp "10 năm, một lời nguyện cầu từ trái tim". "Dù đã 10 năm qua đi, nhưng vết thương lòng vẫn còn sâu đậm", một cụ ông 81 tuổi xúc động nói khi xoa tay lên bảng tên của cháu mình nơi tượng đài tưởng nhớ.

Xuất hiện tại buổi lễ tưởng niệm tại Nhà hát Quốc gia ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nhiệm vụ tái thiết đã bước vào giai đoạn cuối cùng ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa. 10 năm qua, chính phủ Nhật đã chi gần 280 tỷ USD cho các dự án tái thiết, và sẽ chi thêm 15 tỷ USD nữa trong vòng 5 năm tới, phân bổ chủ yếu cho tỉnh Fukushima, nơi đang chứng kiến sự tụt hậu về kinh tế và đời sống xã hội do thảm họa hạt nhân.

Với nhiều người dân Nhật Bản chịu tổn thương từ thiên tai kép, quá trình tái thiết vật chất đã có bước tiến đáng kể, nhưng một thập kỷ hầu như chưa đủ để xoa dịu nỗi đau của người ở lại. Rất nhiều người mất đi người thân đã tự hứa sẽ không để cái chết năm ấy trở nên vô ích và luôn cố gắng để ký ức về thảm họa sẽ không phai mờ với thế hệ người trẻ sinh sau năm 2011.