Lễ hội nhiều điều "kỳ quặc" và đầy tiếng cười trên đảo Fukue

Hoàng Anh

(Dân trí) - Hetomato là lễ hội đầu năm với nhiều tập tục kỳ lạ và bí ẩn với người Nhật Bản và cả người dân bản địa.

Nhật Bản là quốc gia có nhiều lễ hội kỳ quặc, trong đó bao gồm lễ hội Hetomato trên đảo Fukue, tỉnh Nagasaki. Lễ hội được tổ chức vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng một, đánh dấu ngày trăng tròn đầu tiên trong năm.

Do được tổ chức từ lâu đời, ngày nay, không ai, thậm chí cả người dân địa phương, biết về nguồn gốc cũng như chính xác ý nghĩa tên của lễ hội. Lễ hội bắt đầu với màn đấu vật của những võ sĩ sumo không chuyên trên đảo, được tổ chức tại sân ngôi đền Thần đạo Shinto Shirahama.

Lễ hội nhiều điều kỳ quặc và đầy tiếng cười trên đảo Fukue - 1

Các cô gái chơi trò chơi truyền thống hanetsuki tại lễ hội Hetomato. Ảnh: Nippon

Tiếp theo đó là màn thi đấu hanetsuki giữa hai phụ nữ trong trang phục truyền thống kimono. Hanetsuki là trò chơi dân gian thường được chơi vào dịp năm mới tại Nhật Bản. Điều đặc biệt trong lễ hội Hetomato là hai phụ nữ phải đứng trên những chiếc thùng rượu sake để thi đấu.

Sau đó, không khí lễ hội nóng lên với màn thi đấu giữa những người đàn ông - ai cũng bôi bồ hóng đầy mặt, cố sức tranh giành waradama. Đây là quả bóng làm từ rơm rất nặng, được bện từ những sợi dây thừng từ rơm. Trò chơi này có tên tamaseseri.

Lễ hội nhiều điều kỳ quặc và đầy tiếng cười trên đảo Fukue - 2

Đám đông trai tráng giành giật quả bóng bện từ rơm waradama. Ảnh: Nippon

Trên những con phố nơi lễ hội diễn ra, người dân địa phương và du khách còn "bất thình lình" bị bôi bồ hóng lên mặt theo tập tục có tên hegura. Hình ảnh đám đông người dân, du khách la hét và chạy trốn khi bị bôi bồ hóng lên mặt tạo ra khung cảnh náo động cho lễ hội. Những người được bôi bồ hóng lên mặt được cho là sẽ gặp nhiều may mắn và có sức khỏe dồi dào trong năm mới.

Lễ hội nhiều điều kỳ quặc và đầy tiếng cười trên đảo Fukue - 3

Lễ rước chiếc dép bằng rơm khổng lồ zori. Ảnh: Nippon

Lễ hội lên tới đỉnh điểm khi một chiếc dép bằng rơm khổng lồ có tên zori nặng 350kg được rước vào. Chiếc dép được rước qua những con phố bởi đám đông nam giới. Điều thú vị là tập tục "bắt" một cô gái trẻ đặt lên chiếc dép để rước đi. Khắp các con phố là những khuôn mặt cười, những tiếng la hét khi hết cô gái này tới cô gái khác được "bắt" lên chiếc dép khi đoàn rước đi qua. Tất cả làm nên lễ hội đầu xuân đầy sôi động và độc nhất của xứ Phù Tang.