Lễ hội lợn rừng cầu thịnh vượng cho giới trẻ tại Nhật Bản

Minh Hương

(Dân trí) - Lễ hội Inoko (còn gọi là lễ hội lợn rừng) tái hiện nghi thức Thiên hoàng làm bánh gạo và phân phát cho dân chúng để cầu sức khỏe và sự thịnh vượng cho các thế hệ trẻ.

Lễ hội lợn rừng cầu thịnh vượng cho giới trẻ tại Nhật Bản - 1

Nghi thức diễn ra trong lễ hội Inoko. (Ảnh: Find Your Japan)

Lễ hội Inoko là lễ hội Thần đạo được tổ chức ngày 1/11 hàng năm tại đền Go-o. Ngôi đền này nằm ngay cạnh cung điện hoàng gia Kyoto, thành phố Kyoto, và được coi như vị thần canh gác bảo vệ cho hoàng cung. 

Inoko tái hiện nghi thức hàng năm vào thời Heian (794-1185) khi Kyoto còn là cố cung của Nhật Bản. Tại nghi thức Gencho no Shiki được tổ chức tại cung điện Kyoto, người dân ăn bánh gạo, cầu nguyện cho sức khỏe dồi dào và sự phồn vinh của các Thiên hoàng kế tiếp. 

Lễ hội lợn rừng cầu thịnh vượng cho giới trẻ tại Nhật Bản - 2

Đền Go-o, nơi diễn ra lễ hội Inoko. (Ảnh: Find Your Japan)

Trước ngày diễn ra lễ hội, đền Go-o được trang hoàng bởi hàng dãy đèn lồng. Không giống với những ngôi đền Thần đạo Nhật Bản khác, cổng torii của đền Go-o do hai con lợn rừng đứng gác. 

Đền Go-o còn được gọi là ngôi đền của lợn rừng. Người dân địa phương tin rằng xoa tay vào mũi con lợn rừng sẽ giúp họ gặp may mắn. Người ta cũng tin rằng khi cầu nguyện tại ngôi đền, phần lưng dưới và đôi chân sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Linh hồn của lễ hội Inoko là nghi lễ Otsuki no Gi được tổ chức tại chính điện đền Go-o. Đây là nghi lễ trang trọng và chỉ các quan chức địa phương mới được vào trong chính điện trong thời gian làm lễ. Du khách dự lễ hội có thể theo dõi nghi lễ qua màn hình. 

Lễ hội lợn rừng cầu thịnh vượng cho giới trẻ tại Nhật Bản - 3

Nghi thức Thiên hoàng làm bánh gạo, phát cho người dân được tái hiện trong lễ hội Inoko. (Ảnh: Find Your Japan)

Mở đầu là nghi thức thanh tẩy để đuổi những linh hồn tà ác tránh xa khỏi người dân. Tiếp theo là nghi thức được duy trì từ thời Heian, khi người chủ đền đóng giả Thiên hoàng và mô phỏng việc làm bánh gạo. 

Có ba loại bánh gạo khác nhau, màu đen, đỏ và trắng. Người dân thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau sẽ nhận được bánh gạo màu sắc khác nhau từ Thiên hoàng. Các nhạc công biểu diễn những điệu nhạc cung đình truyền thống của Nhật Bản khi nghi thức này diễn ra, tái hiện không gian uy nghiêm và long trọng của cố cung Nhật Bản xưa. 

Lễ hội lợn rừng cầu thịnh vượng cho giới trẻ tại Nhật Bản - 4

Lễ rước đèn lồng trong lễ hội Inoko. (Ảnh: Find Your Japan)

Một nét đặc sắc du khách không thể bỏ qua khi dự lễ hội Inoko là lễ rước đèn lồng từ đền Go-o tới cung điện Kyoto. Du khách tham quan có thể mua những chiếc đèn lồng và hòa mình vào đám rước. 

Lễ hội lợn rừng cầu thịnh vượng cho giới trẻ tại Nhật Bản - 5

Người dân tham dự lễ hội Inoko. (Ảnh: Find Your Japan)

Khi kết thúc đám rước, đám đông tập hô vang “ikuhisa” để ăn mừng giai đoạn thịnh trị lâu dài của Thiên hoàng. Người dân tụ tập để được phát bánh gạo và cùng nhau hát bài ca truyền thống inoko-bayashi. Không gian nghi thức trang nghiêm bỗng trở nên thật rộn rã và du khách có thể nếm thử những miếng bánh gạo hoàn toàn miễn phí. Bạn cũng có thể mua những hộp bánh gạo tại cửa hàng cạnh đền Go-o. 

Lễ hội lợn rừng cầu thịnh vượng cho giới trẻ tại Nhật Bản - 6

Bánh gạo được làm và phát cho người dân hiện trong lễ hội Inoko. (Ảnh: Find Your Japan)

Những chiếc bánh được nặn mô phỏng hình dáng lợn rừng. Đền Go-o được gọi là đền của lợn rừng bắt nguồn từ truyền thuyết khi một vị thần của ngôi đền là Wake no Kiyomaro gặp hiểm nguy, 300 con lợn rừng đột nhiên xuất hiện và cứu ngài. Người Nhật tin rằng về dự hội Inoko và ăn bánh gạo, bạn sẽ có được sức mạnh của loài động vật này.