Lễ hội khỏa thân 1.000 năm vắng vẻ vì Covid-19
(Dân trí) - Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một trong những lễ hội lâu đời và kỳ lạ nhất nước Nhật không có sự tham gia của đám đông mà chỉ là nghi lễ biểu trưng.
Lễ hội Saidaiji Eyo - hay còn gọi là lễ hội khỏa thân - vẫn được tổ chức vào ngày 20/2 tại chùa Saidaiji Kannonin, tỉnh Okayama, nhưng theo hình thức hoàn toàn khác. "Thông thường, chúng tôi có hơn 10.000 đàn ông tham gia. Nhưng năm nay, điều này trở nên quá nguy hiểm do virus corona", Yuji Omori, phát ngôn viên của ngôi chùa, cho hay. "Chưa bao giờ chúng tôi phải đưa ra quyết định này. Lễ hội vẫn được tổ chức trong chiến tranh, nhưng tình hình này thì khác".
Lễ hội năm ngoái vẫn được tổ chức với quy mô lớn sau khi đại dịch bùng phát, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn ở giai đoạn đầu.
Được xếp hạng Di sản văn hóa dân gian hpi vật thể quan trọng, lễ hội Saidaiji Eyo có lịch sử 1.000 năm, khởi nguồn trong nghi thức Phật giáo để cầu hòa bình và mùa màng thịnh vượng.
Ban đầu, những lá bùa may mắn bằng vải được trao cho những người cao tuổi tại địa phương. Dần dà, những người tham dự lễ hội bắt đầu tranh giành, ẩu đả lẫn nhau để nhận được những lá bùa với hy vọng gặp nhiều may mắn trong năm tới.
Năm 1510, vị sư trụ trì của ngôi chùa quyết định những lá bùa sẽ có dạng những tấm thẻ gỗ để không bị xé rách trong cuộc tranh giành và sẽ được tung từ cửa sổ tầng trên của ngôi chùa xuống cho đám đông bên dưới.
Những người tham dự nhận thấy rằng họ sẽ nhanh nhẹn hơn và khó bị người khác ngăn cản hơn khi trút bỏ quần áo. Từ đó, những người đàn ông tham gia lễ hội trong trang phục đóng khố, bất chấp cái lạnh gần 0 độ C tại tỉnh Okayama vào tháng hai.
Với đặc trưng lễ hội gồm 10.000 nam giới bán khỏa thân chen lấn, xô đẩy lẫn nhau để giành được bùa cầu may, các nhà tổ chức cho rằng việc tổ chức lễ hội với quy mô như mọi năm vào năm nay sẽ quá nguy hiểm. Thay vào đó, ngôi chùa sẽ mời 141 người thắng cuộc trong các mùa lễ hội từ năm 1989 tham gia sự kiện biểu trưng sẽ được truyền hình trực tiếp.
Bùa cầu may sẽ được những người tham gia truyền tay. Vị sư trụ trì sẽ bốc thăm tên của hai người tham gia để chọn người thắng cuộc.
Minoru Omori, chủ tịch ủy ban tổ chức lễ hội, cho biết bệnh dịch hạch đã cướp đi sinh mạng 1/3 dân số Kyoto vào thời Heian. Khi đó, lễ hội Saidaiji Eyo được tổ chức để cầu mong may mắn, an lành đến với người dân sau giai đoạn khó khăn.
Đặt trong tình trạng dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, lễ hội Saidaiji Eyo năm nay vẫn được tổ chức để cầu bình an cho người dân toàn cầu. "Sau khi thảo luận với trụ trì và các thành viên ủy ban, chúng tôi quyết định rằng giờ chúng ta cần cầu nguyện, cầu cho hòa bình thế giới và bệnh dịch được xóa bỏ", ông Minoru Omori nói.
Ban tổ chức lễ hội năm nay cũng quyết định cấm khán giả, hủy trình diễn pháo hoa. Các quầy bán thực phẩm, đồ lưu niệm cũng được yêu cầu rời ra xa ngôi chùa. Ngôi chùa cũng có kế hoạch mời những người đàn ông thường tham gia lễ hội gửi ảnh chụp của họ trong trang phục đóng khố với mục tiêu lập Kỷ lục thế giới Guinness về số lượng ảnh chụp trang phục đóng khố nhiều nhất trong một giờ.