Lãi suất ngân hàng thấp sẽ tạo ra đợt tăng giá đất mới?

Theo nhiều ý kiến, lãi suất tín dụng thấp cộng với tiền nhàn rỗi khiến nguồn vốn lớn được đổ vào bất động sản, điều này sẽ tạo đà cho thị trường bất động sản tăng giá trong ngắn hạn.

Giá đất tăng ở nhiều nơi

Dữ liệu tổng hợp tại một số ngân hàng cho biết, từ cuối 2020, nhiều ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay mua nhà.

Tại VPBank (từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên); BIDV (từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,2%/năm trong 36 tháng đầu tiên); Vietcombank (từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu); thậm chí, mức lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng OCB còn xuống dưới 5%/năm (mức lãi vay mua nhà dự án 4,99%/năm được OCB áp dụng trong 3 tháng đầu với khách hàng có khoản vay từ 48 tháng trở lên. 

Đến nay, lãi suất cho vay cũng như lãi suất huy động ngân hàng vẫn có xu hướng tiếp tục giảm. Theo đó, nhiều đơn vị cho rằng, lãi suất vay mua nhà cũng tiếp tục thấp trong 2021.

Theo nhiều chuyên gia, với tín dụng thấp cộng với tiền nhàn rỗi khiến nguồn vốn lớn được đổ vào bất động sản. Trên thực tế, trong suốt năm 2020, TP. HCM, Hà Nội cùng các vệ tinh của hai đô thị này chứng kiến hiện tượng tăng giá nhà đất xuyên mùa dịch.

Lãi suất ngân hàng thấp sẽ tạo ra đợt tăng giá đất mới? - 1

Lãi suất ngân hàng giảm nhưng giá đất tăng?

Báo cáo về thị trường bất động sản mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, bất chấp các tác động từ đại dịch Covid-19, giá nhà ở riêng lẻ và đất nền tại nhiều vùng miền trong năm 2020 vẫn có xu hướng tăng hơn so với năm 2019. Biên độ tăng giá cũng khác nhau giữa các địa phương, từng khu vực.

Bình quân giá đất trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp huyện, mức độ tăng giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tại các địa phương trong năm 2020 chỉ khoảng 3-5%.

Tuy nhiên, ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản lại cho thấy, tại một số địa phương có hiện tượng tăng giá cục bộ ở một số dự án, khu vực; thậm chí có nơi giá đất đã tăng 40-50% so với năm 2019.

Đơn cử như tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường, một số khu vực đất đai người dân quản lý trong làng, xã ở khu Tây Hà Nội, bao gồm huyện Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức có mức giá 25-30 triệu đồng/m2, tăng 50% so với năm 2019. Các vùng khác nằm ở khu Đông, như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20-30% so với năm 2019.

TP.HCM, kể từ sau thông tin thành phố sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một thành phố mới, giá nhà đất ở các quận này cũng liên tục tăng nhiều đợt.

Đơn cử như trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam,… quận 9, vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m2. Tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, giá đất trước đây chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70-90 triệu đồng/m2, tăng khoảng 40% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, số liệu Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, nhiều dự án ở phía Tây Hà Nội có sự đột biến về giá, từ khoảng 30 triệu đồng mỗi m2 hồi đầu năm lên 50-55 triệu đồng mỗi m2 vào cuối quý III/2020. Ở một số thị trường phía bắc như Bắc Ninh và Bắc Giang, giá đất nền hiện tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm.

Dự án bất động sản vẫn phụ thuộc vào ngân hàng

Số liệu trong báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tăng dần lên trong từng quý trong năm 2020.

Cụ thể, quý I/2020 dư nợ tín dụng đổ vào bất động sản chỉ đạt 526,396 tỷ đồng thì đến quý II con số này đã tăng lên 580,186 tỷ đồng. Quý III là 606,253 và quý IV là 633,470 tỷ đồng. 

Lãi suất ngân hàng thấp sẽ tạo ra đợt tăng giá đất mới? - 2

Dự án bất động sản vẫn phụ thuộc vào ngân hàng.

Điều này cho thấy, tín dụng bất động sản vẫn tăng bất chấp Covid19. Và chính Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng thống kê, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM năm 2020 đạt khoảng 2,48 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối năm 2019. Tín dụng trung dài hạn chiếm khoảng 52,2%, tăng khoảng 9,1%; tín dụng ngắn hạn chiếm 47,78%, tăng 6,8% so với cuối năm 2019.

Trong số 293.750 tỷ đồng dư nợ tín dụng tiêu dùng, có khoảng 42% được sử dụng vào các mục đích có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhất là để kinh doanh bất động sản, tiềm ẩn rủi ro về an toàn tín dụng đối với các khoản vay này.

Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn cao hơn tín dụng ngắn hạn cho thấy các dự án đầu tư có tính chất trung dài hạn, trong đó chủ yếu là các dự án bất động sản vẫn phụ thuộc và vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng.

Thời gian qua dư nợ cho vay bất động sản tại các ngân hàng được ghi nhận đã gia tăng đáng kể. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại báo cáo gửi Quốc hội, có khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, chảy vào kênh bất động sản. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ cho vay bất động sản.

Theo nhìn nhận của giới chuyên gia trong bối cảnh lãi suất cho vay đang đổ mạnh vào bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay để ngăn chặn tình trạng tín dụng chảy vào lĩnh vực này "núp bóng" qua sản xuất kinh doanh.