Kimono “nhuộm bùn”: Trang phục cao cấp của quý tộc xưa

Mai Nâu

(Dân trí) - Những bộ trang phục này có giá lên tới vài trăm nghìn yen và thường được những người giàu có ở Tokyo đặt trước.

Kimono “nhuộm bùn”: Trang phục cao cấp của quý tộc xưa - 1

Kimono được làm từ lụa dệt trên đảo Amami có chất lượng cao cấp. (Ảnh: amami-tourism)

Xưởng Oshima Tsumugi ở phía bắc đảo Amami Oshima lưu giữ bí quyết cổ truyền trong việc chế tác kimono lụa tinh xảo. Trong ngôi làng yên bình dưới chân núi trên hòn đảo phía Nam, những người thợ thủ công vẫn sử dụng các vật liệu tự nhiên để nhuộm vải, cùng với kỹ thuật dệt truyền thống.

Nơi đây trung thành với kỹ thuật truyền thống được du nhập từ Trung Quốc đến đảo Okinawa và sau đó là quần đảo Amami vào thế kỷ thứ 8.

Trang phục tơ lụa, được gọi là tsumugi, ban đầu chỉ dành cho thành viên trong hoàng tộc của vua Ryukyu, và sau đó là các thành viên cấp cao trong các chính quyền phong kiến ​​kế tiếp. Người dân thường không được phép mặc trang phục như vậy. Họ dùng loại vải cao cấp này để cống nạp.

Phải đến thời Meiji vào cuối thế kỷ 19, loại vải thủ công này mới được sử dụng rộng rãi và được bán khắp Nhật Bản. Kể từ đầu thế kỷ 20, vì nhu cầu gia tăng nên quá trình sản xuất đã có nhiều cải tiến, nhưng về cơ bản đây vẫn là một ngành công nghiệp thủ công.

Trong giai đoạn nhuộm đầu tiên (Teichigizome), các thợ thủ công sử dụng nồi to để đun sôi cành và thân cây sharinbai (một loại cây bụi địa phương) đã được cắt thành mảnh nhỏ. Sau đó, họ đem sợi tơ nhúng vào chất lỏng đã nguội và phơi dưới ánh mặt trời. Quá trình này được lặp lại khoảng 15-20 lần và các sợi tơ lúc này sẽ có màu đỏ thẫm.

Kimono “nhuộm bùn”: Trang phục cao cấp của quý tộc xưa - 2

Công đoạn Dorozome (nhuộm bùn) được thực hiện với bùn lấy từ quanh các ruộng lúa trên đảo Amami Oshima. (Ảnh: amami-tourism)

Tiếp đó là công đoạn nhuộm bùn (Dorozome). Màu đỏ thẫm trên sợi tơ sẽ chuyển thành màu xám và màu xanh đậm khi chúng được nhúng vào nhiều loại bùn khác nhau, lấy từ quanh các ruộng lúa trên đảo Amami Oshima. Bùn có hàm lượng sắt cao nên có thể dùng bùn để nhuộm và cố định màu trên lụa. Muốn có màu chàm thì dùng lá của Persicaria tinctoria, một loại cây thuộc họ kiều mạch.

Tơ thành phẩm được đem đi dệt tay với kỹ thuật Hataori. Những dải tsumugi hình chữ nhật vừa có độ bền cao, lại vừa chống nhăn thường được sử dụng để may kimono, với các mẫu hoa văn đa dạng, từ đường thẳng, chữ thập, cho tới mai rùa... Phải mất 40 ngày mới có thể dệt đủ vải để may một bộ kimono. Những bộ trang phục này có giá lên tới vài trăm nghìn yen và chúng thường được những người giàu có ở Tokyo đặt trước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm