Khách sạn trong lâu đài bằng gỗ duy nhất ở thị trấn Ozu

Tằng Ngưu

(Dân trí) - Tòa lâu đài gỗ bốn tầng trang nhã nằm bên bờ sông Hijiz sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thực sự mới mẻ.

Lâu đài Ozu ở thị trấn Ozu, tỉnh Ehime là lâu đài đầu tiên và duy nhất ở Nhật Bản cho phép du khách nghỉ lại qua đêm. Với lịch sử hình thành từ năm 1617, đây cũng là một trong số ít các lâu đài bằng gỗ còn sót lại ở Nhật Bản.

Trong năm đầu tiên mở cửa đón khách, lâu đài Ozu chỉ cho phép tiếp đón 30 đợt lưu trú, với tối đa sáu khách mỗi đợt. Mức phí là gần 10.000 USD mỗi đêm cho hai khách và 1.000 USD cho mỗi khách thêm.

Khách sạn trong lâu đài bằng gỗ duy nhất ở thị trấn Ozu - 1

Ozu là lâu đài đầu tiên và duy nhất được phép cho du khách ở lại qua đêm. Ảnh: CNN

Đặc biệt, đến bữa tối, du khách sẽ được phục vụ tại một trong bốn tháp pháo thuộc khuôn viên lâu đài. Ở đó, họ có thể ăn tối, uống rượu sake và ngắm trăng. Sau khi nghỉ đêm tại khu phức hợp, du khách có thể dùng bữa sáng tại Garyu Sanso, một biệt thự lịch sử bên vách đá có quán trà nhìn ra sông Hiji thơ mộng.

Khách sạn trong lâu đài bằng gỗ duy nhất ở thị trấn Ozu - 2

Các bữa ăn sẽ được chuẩn bị theo phong cách truyền thống. Ảnh: CNN

Nơi được mệnh danh là Little Kyoto

Được mệnh danh là "tiểu Kyoto" của Iyo (tên cổ của tỉnh Ehime), thị trấn Ozu được biết đến với cảnh đẹp sông Hiji cùng kiến trúc độc đáo của tòa lâu đài gỗ bốn tầng trang nhã.

Từng là trung tâm chính trị trong thời đại Edo (1603-1868), Ozu đã có giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ Meiji (1868-1912) và Taisho (1912-1926) nhờ sản xuất, buôn bán sáp và lụa. Tuy nhiên, giống như nhiều thị trấn nông thôn khác ở Nhật Bản, Ozu không giữ được sự phồn thịnh của mình theo thời gian, khi nền kinh tế kiểu mới xâm nhập ngày càng sâu sắc vào xã hội Nhật Bản.

Sau những năm 1950, dân số thị trấn sụt giảm đáng kể, từ 79.000 của năm 1955 xuống còn khoảng 42.000 vào năm 2020. Cùng với đó, số lượng cửa hàng, doanh nghiệp phải đóng cửa ngày một nhiều, đẩy lớp thanh niên lên thành phố để tìm kiếm cơ hội, kéo theo tỷ lệ sinh ngày càng thấp và dân số thu hẹp như một lẽ tất nhiên. Rất nhiều kiến trúc cổ đã bị phá dỡ trong giai đoạn này, và đáng buồn là nguyên bản của lâu đài Ozu cũng là "nạn nhân" của làn sóng đó.

Nhiều năm sau, trong nỗ lực hồi sinh thị trấn đang suy tàn và tạo nên tương lai tích cực bền vững hơn cho lớp thanh niên trẻ từ ngành dịch vụ du lịch, chính quyền thị trấn quyết định xây dựng lại công trình biểu tượng này vào những năm 1990, đồng thời sử dụng khung gỗ thay vì bê tông.

Trên thực tế, Luật Bảo vệ Tài sản Văn hóa của Nhật Bản có những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc thay đổi các công trình di sản hữu hình, bao gồm cả các lâu đài trên khắp đất nước. Không những thế, việc phục dựng bằng gỗ đắt gấp nhiều lần so với phiên bản ban đầu, trong khi chiều cao công trình lên tới 19m, vượt 6m so với tiêu chuẩn. Do đó, phải mất rất nhiều năm, Ozu mới nhận được giấy phép xây dựng và hoàn thành vào năm 2004.