Khách sạn TPHCM hồi phục công suất cho thuê nhờ làm điểm cách ly có thu phí

Ngọc Thúy

(Dân trí) - Dù chỉ đạt 18%, công suất khai thác của các khách sạn tại TPHCM đã có sự cải thiện trong quý II. Đà phục hồi này chủ yếu đến từ việc đăng ký làm điểm cách ly tập trung có thu phí.

Savills Việt Nam ghi nhận TPHCM có thêm 17 khách sạn buộc phải tạm đóng cửa trong quý II, nhưng đồng thời có 28 khách sạn khác hoạt động trở lại. Cụ thể, trong 3 tháng này, thành phố có 103 khách sạn mở cửa đón khách, với tổng nguồn cung là 13.400 phòng.

Trong số này, có 25 khách sạn với hơn 3.000 phòng đã chuyển đổi công năng thành điểm cách ly tập trung có thu phí, tập trung ở quận 1, 3, 5, 7 và Tân Bình. Số khách sạn còn lại chủ yếu phục vụ nhu cầu của nhóm chuyên gia, khách đi công tác cần lưu trú dài hạn tại TPHCM.

Khách sạn TPHCM hồi phục công suất cho thuê nhờ làm điểm cách ly có thu phí - 1

Nhiều khách sạn hạng trung đã chuyển đổi công năng sang làm điểm cách ly tập trung có thu phí (Ảnh minh họa).

Công suất cho thuê trung bình trên toàn thị trường đạt 18%, tăng nhẹ 1% so với 3 tháng đầu năm và vượt 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, con số này vẫn là rất thấp so với tỷ lệ lắp đầy trung bình 70% của thời kỳ trước khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn thế giới.

Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường trên dựa trên tình hình hoạt động các khách sạn còn mở cửa mà không bao gồm các khách sạn tạm dừng đón khách do không thể duy trì hoạt động dưới tác động của dịch Covid-19.

Bà Võ Thị Khánh Trang - Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam - đánh giá, biến động của ngành du lịch nói chung và ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú nói riêng phụ thuộc hoàn toàn vào công tác kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ.

"Chúng ta đang trải qua đợt bùng phát dịch thứ 4, cũng là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất với số ca nhiễm tăng nhanh và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Do đó mọi dự báo về ngành du lịch trong năm 2021 vẫn còn phải bỏ ngỏ khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng bị thắt chặt", bà Trang cho biết.

Trong báo cáo, hãng nghiên cứu thị trường bất động sản quốc tế này cũng nhắc đến mô hình "hộ chiếu vắc xin" đang là xu hướng được nhiều nước trên thế giới áp dụng, với hy vọng vực dậy ngành kinh tế không khói ngay khi đại dịch đi qua. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên thế giới còn ở mức thấp thì việc dựa vào "hộ chiếu vắc xin" chỉ là tiền đề hữu hạn.

Do đó, các chuyên gia của đơn vị này không quên nhắc nhở các đơn vị vận hành khách sạn chú ý đến nhu cầu dịch chuyển và lưu trú của khách nội địa. Chúng ta đã nhìn thấy nhu cầu này bùng nổ sau mỗi lần dịch bệnh tạm lắng xuống trong các đợt trước.

Trong dài hạn, công ty đánh giá ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Đến cuối năm 2023, TPHCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% trong số đó sẽ đến từ các thương hiệu tên tuổi. 

Việc phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch, theo nhiều chuyên gia và tổ chức, chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được "miễn dịch cộng đồng", dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023 khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Còn theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), phải đến năm 2024, du lịch toàn cầu mới có thể phục hồi hoàn toàn. Hiện, Việt Nam nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng với 70% dân số được tiêm chủng vào cuối năm nay.