Kadomatsu - Biểu tượng "dẫn lối" cho thần linh vào nhà

Mai Nâu

(Dân trí) - Kadomatsu là đồ trang trí truyền thống của người Nhật, thường được đặt theo cặp trước cửa nhà để chào đón thần linh nhân dịp năm mới.

Kadomatsu thường được người Nhật đặt ở lối vào của căn nhà hoặc tòa nhà từ sau Giáng sinh. Vật trang trí này được cho là dấu hiệu để thần Toshigami tìm được lối vào. Ở Nhật, người ta tin rằng thần Toshigami sẽ tới từng gia đình và mang đến hạnh phúc vào ngày đầu năm.

Dù vậy, vị thần này chỉ tới khi được mời. Kadomatsu mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, biểu tượng cho lối vào để chào đón thần Toshigami.

Kadomatsu - Biểu tượng dẫn lối cho thần linh vào nhà - 1

Kadomatsu thường được đặt theo cặp ở lối vào. Ảnh: Matcha-JP

Mặc dù có một vài biến thể nhưng kadomatsu điển hình thường bao gồm các thành phần sau:

Thông

Từ thời xa xưa, người Nhật tin rằng cây là nơi các thần linh cư ngụ. Từ "Kadomatsu" trong tiếng Nhật Bản có ký tự kanji của cây thông "matsu", vậy nên thông là một phần không thể thiếu của vật trang trí truyền thống này.

Tre

Tre được cho là yếu tố thu hút nhất của kadomatsu. Ban đầu, tre được đưa vào kadomatsu dưới thời samurai. Người ta tin rằng tre mang ý nghĩa chúc phúc với hy vọng làm vơi đi khó khăn trong cuộc sống bởi nó luôn vươn thẳng lên trời cao.

Hoa mận và cải xoăn

Hoa mận và cải xoăn thường được dùng làm vật trang trí bởi cả hai đều mang ý nghĩa may mắn. Hoa mận nở sớm vào đầu năm, khi thời tiết còn lạnh lẽo, do vậy loài hoa này đại diện cho sự mạnh mẽ và bền bỉ. Trong khi đó, cải xoăn với nhiều lớp xếp chồng lên nhau tượng trưng cho tài lộc.

Ngoài sự khác biệt về thành phần trong các biến thể, kadomatsu còn khác nhau ở vết cắt trên các khúc tre. Cách nguyên bản là cắt ngang khúc tre. Một cách khác là vát chéo, giống như bị chém bởi một cây kiếm. Kiểu này được cho là xuất hiện từ thời của tướng quân Tokugawa. Khi ông thua trận, ông chém ống tre thay vì quân địch và mong trận sau sẽ dành chiến thắng.

Có hai quy tắc khi sắp xếp kadomatsu và cất chúng đi. Bạn không nên trang trí kadomatsu vào ngày 29 và 31 của tháng 12. Ngày 29 được coi là ngày không may mắn vì cách phát âm tương tự như "đứng yên và chịu đựng" trong tiếng Nhật. Còn ngày 31 thì được gọi là "Ichiya Kazari," nghĩa là trang trí một đêm. Hành động này được coi là thô lỗ vì nó thể hiện bạn đã vội vã hoàn thành vào phút cuối.

Thời gian dỡ chúng đi có phần khác nhau, tùy vào từng vùng miền nhưng bạn hãy giữ nó lại cho tới ngày 7/1. Người Nhật tin rằng thần Toshigami sẽ rời khỏi nhà mình vào ngày 7/1, vậy nên nếu dỡ kadomatsu sớm hơn thì hành động này sẽ được coi là thiếu tôn trọng.