Hùn chung 200 triệu đồng mua đất, liên tiếp lãi đậm, tiền tỷ sẵn tay

Hùn hạp tiền mua chung nhà đất là cách huy động vốn tốt. Nếu rõ ràng rành mạch về pháp lý ngay từ đầu thì không có bên nào phải chịu thiệt cả.

Đọc bài viết "Dồn tiền tỷ mua chung nhà đất coi chừng méo mặt ôm hận 'lật kèo" của bạn Minh Ngọc cũng như lời khuyên của các độc giả cho bạn, tôi thấy dường như mọi người đang có cái nhìn thiếu thiện cảm và khá phiến diện về việc góp vốn đầu tư bất động sản.

Từ kinh nghiệm của một người từng có số vốn ít ỏi nhưng vẫn đầu tư vào nhà đất và kiếm lợi từ đó, tôi thấy hùn hạp là cách huy động vốn tốt. Nếu rõ ràng rành mạch về pháp lý ngay từ đầu thì không có bên nào phải chịu thiệt cả.

Hùn chung 200 triệu đồng mua đất, liên tiếp lãi đậm, tiền tỷ sẵn tay - 1

Trong tất cả các vụ hùn hạp vốn đầu tư đất cát, chưa lần nào tôi không rõ ràng về giấy tờ (Ảnh minh họa)

Tôi năm nay 34 tuổi, quê Bắc Ninh, từng là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, tôi làm nhân viên kỹ thuật cho một công ty tư nhân, mức thu nhập cũng chỉ bình bình. Sau 2 năm làm lụng, tôi có khoảng 150 triệu đồng tiền tiết kiệm. Khi chưa biết dùng sao cho hiệu quả với số vốn ít ỏi này thì tôi được dì ruột rủ mua chung miếng đất ở quê.

Miếng đất này gần chợ của xã, vì đất quê nên cũng rẻ, vị trí đẹp mà cũng chỉ 400 triệu đồng. Nhận thấy tiềm năng tăng giá vì dùng để ở hoặc sau này xây lên cho thuê cửa hàng cũng được nên dì tôi muốn mua nhưng lại không đủ vốn. Sau khi phân tích, tôi thấy 150 triệu gửi ngân hàng cũng chẳng lãi bao nhiêu, đầu tư kinh doanh thì lại ít ỏi, đầu tư đất có khi lại là ý hay. Vậy là tôi đồng ý với dì.

Tuy là dì cháu ruột thịt nhưng tôi vẫn yêu cầu mọi thứ về pháp lý phải rõ ràng, phải có hợp đồng góp vốn và tôi phải cùng đứng tên trên sổ đỏ. Khi nghe tôi nói vậy, dì cũng có chút không thoải mái nhưng cuối cùng vẫn đồng ý. Tôi vay mượn thêm 50 triệu đồng, cùng dì góp một nửa vốn để mua miếng đất ấy.

Sau 3 năm, dì cháu tôi bán miếng đất đó, mỗi người lãi 200 triệu đồng. Xong xuôi, hai dì cháu lại hùn hạp đầu tư mảnh khác to tiền hơn. Cứ như vậy, "thương vụ" này nối tiếp "thương vụ" khác, chắc cũng do hợp mệnh, dì cháu tôi đầu tư vào đâu là sinh lời ở đó. Số tiền lãi từ đất và tiền tiết kiệm từ công việc cộng lại, tôi có trong tay "gia tài" mà nhiều bạn bè cùng trang lứa phải ao ước.

Cũng phải nói rõ, trong tất cả các vụ hùn hạp vốn đầu tư đất cát, chưa lần nào tôi không rõ ràng về giấy tờ. Đúng là mất lòng trước được lòng sau, lần đầu dì tôi còn có cảm giác khó chịu nhưng về sau thì coi việc làm hợp đồng góp vốn và để tôi đứng chung sổ đỏ là lẽ đương nhiên. Mỗi khi quyết định bán mảnh nào, mua mảnh nào, hai dì cháu đều bàn bạc kỹ lưỡng nên cũng không xảy ra mâu thuẫn, bất đồng gì.

Sau một thời gian hùn vốn chung, từ số lãi kiếm được, cả tôi và dì đều đã có trong tay tiền tỷ. Tôi quyết định khai phá mảnh đất mới, tự tìm kiếm, đầu tư bất động sản ở Hà Nội, còn dì tôi vẫn tiếp tục mua đi bán lại đất ở quê và những vùng lân cận.

Nhờ đầu tư bất động sản từ sớm nên khi bạn bè vẫn quay cuồng làm việc kiếm tiền để mua nhà thì tôi đã tự mua được một căn nhà nhỏ ở Hà Nội cho bản thân. Sau đó, tôi lấy vợ, sinh con và tiếp tục đầu tư đất nền ở các quận ngoại thành. Đầu tư đất ở Hà Nội không được thuận lợi như ở quê, cũng có mảnh tôi phải chấp nhận bán tháo vốn. Chính vì thế nên tôi vẫn dặn dì ở quê thấy có mảnh nào có tiềm năng, dì không đủ vốn thì cứ gọi cháu. Bao năm góp vốn đầu tư như thế, tình cảm dì cháu tôi chỉ thấy thân thiết hơn chứ không xích mích gì.

Tôi kể ra câu chuyện của mình để thấy rằng, mua chung đất được pháp luật cho phép, cũng đã có các quy định dành riêng cho việc này. Vì thế, mọi người chỉ cần tuân thủ đúng các quy định, thực hiện các loại giấy tờ cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho mình thì dù có chung vốn với người thân hay người lạ cũng không có gì đáng lo cả.   

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm