Hòa Bình đầu tư phát triển hạ tầng giao thông
(Dân trí) - Ưu tiên vào đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là mục tiêu hàng đầu đang được tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh.
Hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mà còn tạo động lực cho thị trường bất động sản Hòa Bình phát triển mạnh mẽ
Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để tăng cường kết nối giao thông
Nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn, đồng thời tăng khả năng kết nối với các tỉnh và khu vực lân cận, tỉnh Hòa Bình đã và đang triển khai đầu tư một số tuyến giao thông mang tính trọng điểm.
Nổi bật phải kể tới dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Đây là dự án được đánh giá có tầm quan trọng đặc biệt liên quan tới liên kết vùng giữa Hòa Bình và thủ đô Hà Nội, được xác định là một trong những dự án trọng điểm của Hòa Bình trong giai đoạn 2020-2025.
Dự tính, chiều dài tuyến cao tốc là gần 23km, đi qua địa phận tỉnh Hòa Bình là gần 16km. Phương án xây dựng quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, có dự trữ quỹ đất để mở rộng đường bộ thành 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh và hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe, đồng thời xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai.
Cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình sau khi hoàn thiện sẽ đáp ứng được nhu cầu giao thông giữa khu vực Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình với Thành phố Hà Nội và các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Dự án này kết hợp với tuyến Đại lộ Thăng Long sẽ tạo thành một trục đường huyết mạch nối liền thành phố Hòa Bình với Hà Nội. Từ đó giúp nâng cao năng lực vận chuyển, lưu thông của các phương tiện di chuyển giữa Tây Bắc và Hà Nội, giảm áp lực cho Quốc lộ 6 và tạo điều kiện để kinh tế - xã hội Hòa Bình bứt phá.
Bên cạnh dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (ĐT.448B) cũng đang gấp rút được triển khai. Đây cũng là một dự án trọng điểm được tỉnh Hòa Bình chú trọng với quy mô tổng chiều dài khoảng 39 km.
Với dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tỉnh Hòa Bình đang hướng tới mục tiêu đảm bảo chính sách phát triển vùng động lực của tỉnh và tăng cường phối hợp giữa các địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm.
Không chỉ vậy, trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ tiếp tục triển khai dự án mở rộng đường Quốc lộ 6 trở thành tuyến giao thông cửa ngõ; đầu tư thêm vào tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu và tuyến đường Hồ Chí Minh - vành đai 5 Hà Nội (đoạn qua địa phận tỉnh).
Xây dựng hạ tầng kết nối liên vùng sẽ có tính lan tỏa thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn lao động, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội, tiềm năng du lịch và cả thị trường bất động sản của tỉnh cùng phát triển mạnh mẽ.
Hoàn chỉnh mạng lưới giao thông nội tỉnh
Song song với việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tỉnh Hòa Bình cũng đặc biệt chú trọng tới việc phát triển hoàn chỉnh và đồng bộ mạng lưới giao thông nội tỉnh.
Một số dự án, công trình giao thông nội tỉnh trọng điểm đã và đang được triển khai hoàn thiện theo quy hoạch như: cầu Hòa Bình 2, đường nối từ Quốc lộ 6 với đường Chi Lăng (thành phố Hòa Bình), đường nối Hồ Chí Minh với Quốc lộ 12B đi Quốc lộ 1,…
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ tại các tuyến đường tỉnh ĐT.435, ĐT.438, ĐT.433, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc hay đường nối thành phố Hòa Bình - Kim Bôi, đường tỉnh 450,436; xây dựng tuyến tránh qua các khu vực đông dân cư như: Quốc lộ 6 đoạn qua thành phố Hòa Bình, thị trấn Lương Sơn, Cao Phong, Mường Khến, tuyến tránh Quốc lộ 21 qua Chi Nê,…
Đặc biệt sắp tới, Hòa Bình sẽ triển khai dự án Kết nối giao thông và thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia. Đây là dự án sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư lên tới 2.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Hòa Bình sẽ thúc đẩy đầu tư các công trình trọng điểm khác như cầu Hòa Bình 4, cầu Hòa Bình 6 và các tuyến kết nối du lịch từ Khu du lịch hồ Hòa Bình đến các Khu du lịch Đồng Tâm, Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam), các Khu du lịch sinh thái tại Ninh Bình… nhằm kết nối các tour du lịch giữa các tỉnh thành.
Việc hoàn chỉnh mạng lưới giao thông nội tỉnh giữ vai trò đặc biệt quan trọng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Hòa Bình. Hạ tầng giao thông được xem như là "xương sống", tạo động lực để nâng đỡ nền kinh tế bứt phá.
Cùng với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng đang được triển khai song song, Hòa Bình đang sở hữu những lợi thế to lớn để tăng tốc trong thời gian tới. Mạng lưới giao thông hoàn chỉnh không chỉ giúp cho du lịch phát triển mà còn thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, kéo theo đó là sự sôi động và hấp dẫn của thị trường địa ốc Hòa Bình.