Hậu đấu giá 2 huyện ven đô, đất xung quanh tăng mạnh, môi giới cũng choáng
(Dân trí) - Theo khảo sát, giá rao bán của một số khu vực gần khu đất đấu giá tại xã Thanh Oai và Hoài Đức (Hà Nội) đã tăng giá từ 5 đến 10 triệu đồng/m2. Chuyên gia khuyên người dân nên cẩn trọng.
Đất xung quanh đu tăng giá theo đất đấu giá
Vừa qua, thị trường choáng váng khi chứng kiến các phiên đấu giá đất vùng ven Hà Nội xuất hiện những lô đất có giá cao ngất ngưởng. Đơn cử, tại huyện Hoài Đức, giá đất trúng đấu giá 19 lô tại khu LK03 và LK04, thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên, dao động 91,3-133,3 triệu đồng/m2, gấp 12,5 đến hơn 18 lần so với giá khởi điểm.
Tại huyện Thanh Oai, giá trúng đấu giá 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao dao động từ 63-100 triệu đồng/m2, cao gấp 5-8 lần so với giá khởi điểm. Điều đáng nói, ngay sau khi phiên đấu giá, hầu hết các lô đất đều được rao bán chênh với mức giá từ 400-600 triệu đồng/lô.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khu đất đấu giá tại thôn Thanh Thần (Thanh Cao, huyện Thanh Oai) và thôn Lòng Khúc (Tiền Yên, huyện Hoài Ðức) đã không còn bóng dáng của môi giới đặt bàn tư vấn mua bán đất đấu giá. Nhưng những tấm biển quảng cáo bán đất vẫn còn nguyên.
Trong vai người mua, phóng viên Dân trí liên hệ tới một số môi giới nhưng đều nhận được câu trả lời nhiều chủ đất đã dừng bán khi biết có đoàn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra. Họ cho biết, khi nào có kết quả kiểm tra sẽ tính toán có bán tiếp hay không.
Tuy nhiên, hiện nay tại một số khu vực xung quanh khu đấu giá chủ đất đã tăng giá rao bán lên tới 5-10 triệu đồng/m2. Cụ thể, tại các xã Lại Yên, Song Phương (Hoài Đức, Hà Nội) hiện nay giá rao bán tăng khoảng 7-8 triệu đồng/m2.
Một mảnh đất dịch vụ tại Lại Yên có diện tích 78m2, mặt đường 5m, thời điểm trước phiên đấu giá diễn ra giá bán khoảng 130 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến nay chủ đã tăng giá lên 137 triệu đồng/m2, tương đương lô đất này có giá gần 10,7 tỷ đồng.
Chị Hưng - môi giới bất động sản tại Hoài Đức (Hà Nội) - cho rằng, mặc dù hiện nhiều người trúng đấu giá đã dừng bán chênh nhưng giá trúng cao chắc chắn nhiều khu vực xung quanh sẽ tăng giá theo. Theo chị, các khu vực xung quanh hiện nay đều tăng 7-10 triệu đồng/m2 nên rất khó mua vào. Một số nhà đầu tư sợ mua phải giá cao nên hiện cũng "án binh bất động" chờ xem xét thêm tình hình.
Tương tự, tại Thanh Oai, sau phiên đấu giá 68 lô đất ở xã Thanh Cao nhiều khu vực xung quanh đã tăng giá từ 5-10 triệu đồng/m2. Cụ thể, tại thôn Ninh Dương, Cao Mật (xã Thanh Cao) trước thời điểm đấu giá tổ chức, các lô đất nằm trong ngõ khoảng 4m có giá khoảng 30 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 35 triệu đồng/m2.
Tại các xã xung quanh như Cao Viên, Bình Đà, Thanh Mai đất nền ở đường ngõ ô tô tránh trước kia khoảng 50-55 triệu đồng/m2 thì nay cũng được tăng giá rao bán lên 65 triệu đồng/m2.
Anh Tùng - môi giới bất động sản tại Thanh Oai - cho biết sau phiên đấu giá, thị trường khu vực xuất hiện lô đất có giá kỷ lục 100 triệu đồng/m2 thì hầu hết các chủ đất xung quanh đều tăng giá khoảng 10-20%, tùy lô và khu vực.
Giá tăng nhanh khiến anh Tùng cũng cảm thấy choáng váng và không dám ôm đất chờ tăng giá. Anh cho rằng giá rao bán hiện tại tăng rất cao, nếu mua vào rất dễ sẽ đu đỉnh. Hiện tại một số người trúng đấu giá cũng đã dừng bán chênh, thanh khoản trong khu vực cũng không còn sôi động như thời điểm đầu năm.
Khó xác định hành vi "thổi" giá
Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) - cho rằng việc giá đất tại vị trí có cơ sở hạ tầng, tiện ích không nổi bật, ở một địa phương vùng ven sở hữu tiềm năng tăng giá ở mức bình thường, lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, ngang bằng với giá đất nền tại các khu đô thị, khu vực đông dân cư là bất bình thường, vượt xa giá trị thực tế. Đây chính là kết quả của các mục đích không lành mạnh.
Nhiều nhà đầu tư tham gia các phiên đấu giá này là những người "có nghề" đấu giá đất, họ thường tham gia với mục đích đơn giản đó là "lướt sóng". Họ không quan tâm giá trị thật là bao nhiêu, cứ trúng đã rồi mua bán sang tay ngay để kiếm lời hoặc sẵn sàng bỏ cọc nếu thị trường không hưởng ứng.
Hay mục đích nguy hiểm hơn là tạo "sốt đất". Các cá nhân này lợi dụng việc đặt cọc đấu giá nhằm mục đích thổi giá các khu đất liên quan. Thậm chí bất chấp rủi ro, hợp thức hóa mức giá bằng cách thanh toán đầy đủ theo mức giá đấu trúng, để lấy mức giá này làm căn cứ kích giá đất ở các huyện vùng ven, kích giá đất nhiều nơi leo thang, tạo "sốt ảo".
Theo ông Đính, có nhiều nghi ngờ về tình trạng đầu cơ, thổi giá. Tuy nhiên, trên thực tế, giống như diễn biến xảy ra với phân khúc căn hộ tại Hà Nội trong thời gian qua, ngay cả khi người mua bỏ cọc, vẫn rất khó có thể xác định và xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá.
Giới chuyên gia khuyên người dân cẩn trọng với những thông tin rao bán đất giá "khủng" như trên. Nếu tìm mua vì mục đích thật, người mua cũng nên quan sát, tìm hiểu kỹ thị trường và tính thanh khoản. Còn nếu mua vì mục đích đầu cơ, lướt sóng, lời khuyên được đưa ra là hãy quan sát thêm.