Hà Nội chính thức duyệt danh sách gần 1.700 dự án thu hồi đất năm 2019

(Dân trí) - HĐND TP Hà Nội vừa thông qua danh mục 1.686 dự án thu hồi đất năm 2019 với diện tích là 5.573,52 ha; danh mục 308 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019, với diện tích là 518,58ha.


Hà Nội chính thức thông qua danh mục các dự án thu hồi đất năm 2019.

Hà Nội chính thức thông qua danh mục các dự án thu hồi đất năm 2019.

HĐND TP Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐND thông qua danh mục các dự án thu hồi đất năm 2019; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP Hà Nội.

Nghị quyết này đã được HĐND TP Hà Nội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 04/12/2018 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019.

Theo đó, HĐND TP thông qua danh mục 1.686 dự án thu hồi đất năm 2019 với diện tích là 5.573,52 ha; danh mục 308 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019, với diện tích là 518,58 ha.

Trong quá trình thực hiện, UBND Thành phố tiếp tục rà soát quy mô, diện tích của từng dự án, đánh giá tiến độ triển khai, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện theo tính cấp thiết của từng dự án, đảm bảo mục tiêu sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm. Sau thu hồi, yêu cầu chủ đầu tư sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả. Kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai theo quy định.

Trường hợp phát sinh yêu cầu sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án quan trọng cấp bách vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà chưa có trong danh mục được HĐND Thành phố thông qua hoặc trường hợp cần điều chỉnh, giao UBND Thành phố tổng hợp trình HĐND Thành phố tại các kỳ họp trong năm 2019.

Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, nhất là giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và đất đai để thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách trên địa bàn Thành phố theo đúng kế hoạch đề ra.

UBND TP Hà Nội có trách nhiệm công khai danh mục các dự án, công trình trong danh mục thu hồi đất; chuyển mục đích sử dụng đất lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019 trên Cổng thông tin điện tử Thành phố, trụ sở làm việc của UBND các xã, phường, thị trấn có dự án để nhân dân theo dõi, giám sát theo quy định.

Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch để tạo sự đồng thuận của người dân, đặc biệt đối với những vùng bị thu hồi đất; tuân thủ đúng quy trình, quy định pháp lý trong tổ chức thực hiện thu hồi đất. Thực hiện đúng quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất, đảm bảo người dân có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Kịp thời đối thoại, giải quyết những vướng mắc ngay từ cơ sở.

Trước đó năm 2018, HĐND TP thông qua 1.872 công trình, dự án thu hồi đất, với diện tích là hơn 6.203 ha. 581 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, với diện tích là 952.83 ha. Về kết quả thực hiện, tính từ đầu năm đến ngày 1/10/2018, số dự án thu hồi đất là 1.174 dự án, diện tích thu hồi là hơn 3.546 ha (đạt 62% kế hoạch, ước thực hiện đến 31/12/2018 đạt 70%).

UBND TP Hà Nội đánh giá kết quả thực hiện chưa hoàn thành theo danh mục các công trình, dự án thu hồi đất. Nguyên nhân chủ quan do một số quy định về đầu tư, xây dựng đất đai, môi trường còn chồng chéo, chuyển tiếp qua nhiều luật, nghị định nên công tác chuẩn bị đầu tư thường kéo dài hơn dự kiến, dẫn đến một số dự án chậm hoàn thiện được các thủ tục để được thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Một số dự án vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng do chưa có sự đồng thuận, ủng hộ cao của người bị thu hồi đất.

Về nguyên nhân khách quan công tác đăng ký một số chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của các chủ đầu tư và một số UBND quận, huyện, thị xã, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất chưa sát với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như khả năng thực hiện. UBND các quận, huyện, thị xã lập, phê duyệt dự án đấu giá quyền sử dụng đất không đảm bảo khả thi thực hiện.

Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư triển khai cầm chừng, chờ đón nhu cầu của thị trường bất động sản, chưa quyết liệt thực hiện giải phóng mặt bằng, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư còn chậm làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất.

Phương Dung

Hà Nội chính thức duyệt danh sách gần 1.700 dự án thu hồi đất năm 2019 - 2