Gói 120.000 tỷ đồng bị "ế", đề xuất người mua nhà dưới 3,5 tỷ đồng được vay

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Chủ tịch HoREA đề xuất bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại vừa túi tiền dưới 3,5 tỷ đồng/căn (khoảng 35 triệu đồng/m2) được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là chương trình do 4 ngân hàng thương mại nhà nước tự nguyện huy động vốn tham gia, lãi suất giảm từ 1,5% đến 2% so với thị trường. Mức lãi suất áp dụng hiện nay với doanh nghiệp khoảng 8% và với người mua nhà khoảng 7,5%/năm.

Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, 10 dự án có nhu cầu giải ngân, số tiền cam kết cấp tín dụng gần 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, ngân hàng mới giải ngân được hơn 646 tỷ đồng sau hơn 1 năm triển khai.

Trong buổi làm việc với Thủ tướng mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu khó khăn trong triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng như các quy định pháp luật liên quan đến dự án nhà ở xã hội (quỹ đất, trình tự, thủ tục mua bán, định giá…) còn nhiều vướng mắc; số lượng dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư rất ít; một số điều kiện đối với người mua nhà không còn phù hợp...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bổ sung đối tượng là người mua nhà ở thương mại giá vừa túi tiền dưới 3,5 tỷ đồng/căn (khoảng 35 triệu đồng/m2) được tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Bởi Nghị quyết số 01 của Chính phủ và Công điện số 18 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư) mà đối tượng tiêu dùng bất động sản chính là người mua nhà.

Gói 120.000 tỷ đồng bị ế, đề xuất người mua nhà dưới 3,5 tỷ đồng được vay - 1

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được đề xuất áp dụng với nhà ở dưới 3,5 tỷ đồng/căn (Ảnh minh họa: NL).

Để thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2023, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền xem xét khôi phục lại đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng.

Gói này mới chỉ bằng 30% tổng nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội. Lãi suất cho vay ưu đãi 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

Trên hết, ông Châu đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Đây là giải pháp phi tín dụng hiệu quả nhất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2024.

Giải pháp có tính tổng thể là Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét khả năng trình Quốc hội xem xét có thể cho phép áp dụng sớm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thay vì có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Hiệp hội đề nghị các Bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện khoảng 25 dự thảo Nghị định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, sát với thực tiễn.

Chủ tịch HoREA cũng đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các địa phương để xem xét tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên cơ sở phân loại từng nhóm vướng mắc. Doanh nghiệp bất động sản cũng phải nỗ lực tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm nhà ở, hướng về nhu cầu thực của thị trường là loại nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, phấn đấu đưa ra giá bán nhà ở hợp lý.