1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Giá chung cư tăng, một phân khúc bất động sản khác lại cắm đầu đi xuống

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Chung cư là phân khúc bất động sản vẫn có lượng quan tâm tăng trưởng trong tháng 5 khi dịch bùng phát. Trong khi đó, cửa hàng, nhà phố có mức giảm rất mạnh.

Thông tin được đưa ra trong báo cáo dữ liệu thị trường bất động sản tháng 5 vừa được đơn vị batdongsan.com.vn công bố.

Theo báo cáo, trong khi đất nền có lượng cung và cầu giảm mạnh thì loại hình chung cư lại có lượt quan tâm tăng ấn tượng tại cả Hà Nội và TPHCM, lần lượt là 12% và 8%.

Giá chung cư tăng, một phân khúc bất động sản khác lại cắm đầu đi xuống - 1

Thống kê giá rao bán, lượng tin đăng và mức độ quan tâm với chung cư Hà Nội.

Đáng lưu ý, so với cùng kỳ năm ngoái, giá chung cư Hà Nội và TPHCM tiếp tục tăng nhẹ 3-5%.

Riêng tại thị trường Hà Nội, trong tháng 5, chung cư là loại hình được quan tâm nhất với mức tăng 5-7% cả ở thị trường bán và cho thuê. Trước đó, chung cư Hà Nội có nhiều tháng đi ngang về mức độ quan tâm và lượng tin đăng.

Còn tại TPHCM, sang tới tháng 5, lượt quan tâm cũng tăng đều ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân với mức tăng lần lượt là 16%, 14% và 11%.

Tuy nhiên, trái ngược với chung cư, phân khúc cửa hàng/ki-ốt và nhà mặt phố cho thuê có mức giảm mạnh nhất, lần lượt là 44% và 25%.

Theo ghi nhận thực tế, với chuyển biến thị trường nhà phố sau 3 lần đối diện với Covid-19, đợt bùng dịch thứ 4 với tốc độ lây lan nhanh mạnh được dự đoán không chỉ là cú đấm thép tác động mạnh nhất đến tình hình kinh tế xã hội, mà còn là đòn đánh gây thương tổn mạnh hơn đến thị trường nhà phố.

Theo chuyên gia Savills, thị trường bán lẻ đang đối diện với một thử thách lớn chưa bao giờ có, khi chủ nhà không còn là người nắm thế thượng phong và cần có những biện pháp chuyển mình để sinh tồn, thích ứng với tình trạng "bình thường mới".

Giá chung cư tăng, một phân khúc bất động sản khác lại cắm đầu đi xuống - 2

Mặt bằng nằm ngay ngã sáu Phù Đổng (quận 1) vẫn chưa tìm được khách thuê sau nhiều tháng (Ảnh: Đại Việt).

Đối diện với làn sóng thứ 4 của Covid-19 vào tháng 5, một vài mặt bằng thuê dù đã dựng vách thi công cũng chấp nhận chịu lỗ và tiến hành trả mặt bằng do những thay đổi trong chiến lược của các nhà bán lẻ nhằm thích ứng với đại dịch và đẩy mạnh bán hàng qua thương mại điện tử, báo cáo từ Savills cho biết.

Điều này dẫn đến tỷ lệ lấp đầy tăng trưởng chậm trên thị trường bất động sản bán lẻ: nhà phố căn góc tại những tuyến đường có lưu lượng giao thông cao có tỷ lệ được thuê tốt hơn, còn những khu vực khác, ngay cả những mặt bằng sầm uất như đường Hồ Tùng Mậu, đường Huỳnh Thúc Kháng, đường Đồng Khởi (quận 1, TPHCM), tỷ lệ lấp đầy cũng bị ảnh hưởng không ít.

Có thể thấy, chênh lệch cung cầu đang tăng theo diễn biến phức tạp của tình hình đại dịch. Đa số chủ nhà phố đồng ý hợp tác đàm phán để hỗ trợ giảm 20-40% cho thời gian giãn cách toàn xã hội theo chỉ thị 15 và 16 nhằm giữ được hợp đồng thuê.

Ngoài mặt bằng bán lẻ, đất và đất nền vốn là loại hình bất động sản "hot" cũng có lượt quan tâm quay đầu giảm mạnh 19% so với tháng 4.