Giá bất động sản nhiều nơi "khác thường", một số vùng đã dịu "cơn sốt ảo"

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Trong năm 2020, nhiều thông tin phát triển đầu tư đã thổi bùng cơn "sốt" đất ở một số vùng, song theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam cuối năm hiện tượng này đã lắng dịu.

Báo cáo thị trường bất động sản năm 2020 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, nhà đất là "món ăn" ưa thích của các nhà đầu tư Hà Nội và một phần cũng là dòng sản phẩm hàng hiếm.

Do vậy, bất chấp những ánh hưởng Covid, nhiều dự án được đầu tư hạ tầng chất lượng tốt đã tăng giá mạnh, có một số dự thành lập những mức giá kỷ lục như lên tới 300 triệu đồng/m2 ở Hà Đông.

Số liệu của Hội môi giới cũng cho thấy, khu vực đất đai trong khu dân cư một số vùng như Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức… đã tăng lên mức 25-30 triệu đồng/m2, tăng so với năm 2019 khoảng 50%.

Các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20-30% so với năm 2019. Mặc dù tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thực diễn ra không nhiều mua bán chủ yếu qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau, Hội môi giới cho biết.

Giá bất động sản nhiều nơi khác thường, một số vùng đã dịu cơn sốt ảo - 1

Chạy theo cơn sốt đất, nhiều người mang cả bao tải tiền đi giao dịch.

Mặc dù trong năm nhiều thông tin phát triển đầu tư đã làm sốt đất bùng phát ở một số vùng, song theo Hội môi giới cuối năm hiện tượng trên đã lắng dịu.

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết, những vùng bên ngoài các dự án phát triển, những khu vực có các thông tin chuẩn bị phát triển quy hoạch từ huyện lên quận thường xuất hiện hiện tượng sốt nóng.

Con số tăng 50% theo ông Đính, được nghiên cứu ở một số các dự án tăng mạnh. Thậm chí có những vùng ven khi khảo sát, tuần này sang tuần sau đã "nhảy" giá gấp mấy lần.

"Đây là sự khác thường của thị trường. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc chính quyền, truyền thông… Quý 3, khi tôi vào một làng ở Sơn Tây, trong đó thị trường sôi động, cò đất, môi giới như "lễ hội". Tuy nhiên giai đoạn vừa rồi vào lặng như tờ, đìu hiu hơn. Có sự can thiệp nên hiện tượng sốt ảo được hạn chế" - ông Đính cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2018, sự xuất hiện của đại đô thị ở khu vực Gia Lâm khiến nhiều vùng tại khu vực này lên cơn sốt đất. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, cơn sốt bùng lên chỉ là "ăn theo" dự án lớn, đầu cơ nhiều. Giao dịch trên thị trường chủ yếu là cuộc mua đi bán lại của giới đầu tư, không có nhiều giao dịch phát sinh từ người mua ở thực.

Một khảo sát gần đây của batdongsan.com.vn cho thấy, giá đất của thời điểm đầu năm 2021 tương đương với mức giá ở thời điểm sốt đất. Theo đơn vị này, khoảng 1 năm qua, dù giá có đi lên nhưng thị trường giao dịch không sôi động. Hoạt động mua bán diễn ra lác đác.

Tại hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 5 năm (2016-2020) và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp của ngành xây dựng cho giai đoạn 5 năm tới cũng như năm 2021 mới diễn ra, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng sốt đất, sốt giá ở một số địa phương trong một số thời điểm.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, đất nền là phân khúc "nóng" trong vài năm trở lại đây, đặc biệt tại các vùng ven Hà Nội. Trong khi đó, ở khu vực nội thành thì nhà đất là sản phẩm được giới đầu tư hay người mua nhà ở thực ưa chuộng. Đối với cả 2 sản phẩm này, việc định giá không dễ dàng như giá bán các căn hộ chung cư. Ở những phân khúc này dễ xảy ra tình trạng giá ảo, sốt ảo.

Giá bất động sản được hình thành dựa trên nhiều yếu tố. Giới chuyên gia cho rằng nếu có ý định mua các sản phẩm bất động sản này cần đặc biệt lưu ý đến khâu định giá, tránh việc để "cò" nhà đất trục lợi, đẩy giá quá cao, cũng cần tránh đầu tư theo kiểu phong trào.