Dùng thuế chặn “biệt thự ma”

Mới đây, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu đề xuất cơ chế thông qua chính sách thuế theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, chậm đưa vào sử dụng phải chịu thuế cao.

Dùng thuế chặn “biệt thự ma” - 1

Khu biệt thự ở hẻm 215 Nguyễn Văn Hưởng (TPHCM) với hàng chục căn bị bỏ hoang gần 10 năm nay

Mặc dù, chính sách thuế trên được kỳ vọng là một trong những giải pháp hiệu quả ngăn chặn đầu cơ đất. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, từ kiến nghị vào thực tế vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn sâu.

Ngăn chặn đầu cơ

Trong phiên cuối kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Theo đó, Nghị quyết thông qua nhiệm vụ của Chính phủ nghiên cứu và đề xuất cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn. 

Tâm lý, nhà đất là kênh đầu tư an toàn hàng đầu luôn ngự trị trong tâm thức của hầu hết người dân Việt. Bởi lẽ đất thường không mất giá mà còn tăng giá theo thời gian. Do đó, việc đầu cơ tích đất xảy ra khá phổ biến ở nước ta.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, những năm gần đây, hoàng loạt dự án khu đô thị mới để đất hoang, những khu "biệt thự ma"... đang tồn tại lãng phí, gây nhức nhối dư luận. 

Trong khi đó, kinh nghiệm quản lý đất tại nhiều nước có quy định về mức thuế sử dụng đất ở, đất phi nông nghiệp là rất cao như: Mức thuế phải nộp lên tới mấy chục %, thậm chí 100% như ở Anh, Mỹ... “Đánh thuế những nơi bỏ hoang cao hơn so với bình thường thì sẽ hạn chế được đầu cơ ngay"! - Ông Võ khẳng định.

Không phải đề xuất mới

Thực tế, đề xuất đánh mạnh thuế đối với nhà đất bỏ hoang nhằm xử lý triệt để nạn đầu cơ, mở ra cơ hội cho những người có nhu cầu ở thật sự, không phải là đề xuất mới. 

Năm 2012, trong tình trạng bất động sản hậu thời kỳ bong bóng,TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra phương án đánh thuế hoặc xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư có biệt thự bỏ hoang, với mức thuế dự kiến lên tới 10%/năm trên tổng giá trị biệt thự bỏ hoang. Đồng thời, TP còn kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua nhà từ ngôi nhà thứ hai trở lên. 

Tuy nhiên, phương án này đã gặp phải một số phản ứng tiêu cực. Cụ thể, việc đánh thuế trên toàn bộ giá trị đất ở với mức thuế suất cao và đánh thuế đối với nhà ở sẽ có tác động đến người dân, đặc biệt là đối với những người đang có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở có giá trị lớn nhưng không có thu nhập để đóng thuế.

Bên cạnh đó, theo tập quán của người Việt, việc đầu tư đất đai còn là giải pháp để phân chia tài sản cho con cái, đối với các trường hợp này, nếu đánh thuế quá cao sẽ không công bằng. 

Ngoài ra, theo ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, việc đưa ra thuế về sử dụng đất có nguy cơ mất cân bằng do việc định giá đất hiện nay chưa sát với thực tế. 

Tại TP HCM, hiện bảng giá nhà đất chỉ bằng 30% bảng giá thị trường. Ví dụ đất ở một số khu ở Quận 1 chỉ ở mức 162 triệu đồng/m2 nhưng trên thực tế giá đất trên thị trường giá đất tại quận 1 có những nơi lên đến cả tỷ đồng/m2. Như vậy, mức chênh lệch giữa bảng giá và mức giá thị trường là rất lớn, nên không ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu cơ. 

Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, đánh thuế cao và lũy tiến đất thứ 2, thứ 3 sẽ là nguồn thu chủ yếu phát triển hạ tầng cũng như nâng cấp đô thị, nhưng phải thu đúng và đủ để tạo công bằng. 

Theo Diệu Hoa

Diễn đàn Doanh nghiệp