Dừng thực hiện dự án “đổi đất lấy hạ tầng” trong giai đoạn tới
(Dân trí) - Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định, kể từ ngày 15/8/2020, các dự án BT ("đổi đất lấy hạ tầng") chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.
Đây là 1 trong 10 lần được Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố sáng 10/7.
Trong số 10 đạo luật, bộ ba luật Doanh nghiệp, luật Đầu tư, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư là ba trong số các luật nói trên, có tác động lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Về luật PPP, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng nêu rõ sự cần thiết ban hành một đạo luật riêng để bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP tạo môi trường pháp lý ốn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng vay mượn quy định của các pháp luật khác.
Việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách.
Thứ trưởng Thắng cũng nhấn mạnh, luật PPP hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và đảm bảo đầu tư từ phía nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. Đây là chính sách then chốt của luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư PPP tại Việt Nam.
Luật PPP khu biệt 5 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP nhằm tập trung nguồn lực, bao gồm: giao thông, lưới điện (trừ nhà máy thuỷ điện và trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.
Về quy mô đầu tư, luật PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỷ đồng. Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giá trị này là 100 tỷ đồng.
Một điều luật quan trọng được Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh là phần vốn nhà nước sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, hạn mức tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.
Nội dung quan trọng tiếp theo được Thứ trưởng đề cập là luật PPP quy định cơ chế chia sẻ doanh thu được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50% - 50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kỳ doanh thu hàng năm. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chình chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.
Nội dung đáng chú ý khác là, luật PPP cho phép doanh nghiệp dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thưc hiện dự án PPP.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, đây là quy định rất linh hoạt, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
Luật PPP cũng thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Theo đó, quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai được quy định cụ thể tại Luật. Đặc biệt, kể từ ngày 15/8/2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.
Luật có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2021, cần có 3 Nghị định hướng dẫn để có thể thi hành.
Luật Doanh nghiệp cũng được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 9, gồm 10 chương, 218 điều, Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.
Luật nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến. Theo đó, luật mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Luật cũng hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ.
Cải cách của luật còn hướng đến nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.
Cụ thể, khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã được sửa đổi để xác định rõ loại doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức quản lý, giám sát phù hợp.
Luật cũng bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và đảm bảo tính minh bạch hoá, công khai hoá thông tin của doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.
Thái Anh