Dừng dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết: Bitexco "đòi" bồi thường chi phí cơ hội cả trăm tỷ đồng?

(Dân trí) - Dù Bitexco mất 11 năm đeo đuổi nhưng hồi tháng 3/2018, Thủ tướng đã quyết định dừng Quyết định thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP. Phía Bitexco tính toán, tổng chi phí cơ hội mà nhà đầu tư này bị mất do theo đuổi dự án có thể lên tới cả trăm tỷ đồng.

bitexco-muon-duoc-boi-thuong-184-ty-dong-chi-phi-du-an-cao-toc-dau-giay-phan-thiet-29-.1459.jpg

Sau 11 năm đeo đuổi dự án không thành do thay đổi về chủ trương đầu tư của Nhà nước, Bitexco tính toán tổng chi phí cơ hội mất đi lên tới 104,63 tỷ đồng.

 

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc xác định chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí cơ hội của nhà đầu tư do dừng triển khai dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây theo Nghị quyết số 20/NQ-CP.

Trước đó, từ năm 2009, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco được Chính phủ giao lập đề xuất dự án. Tiếp đó, tháng 8/2009, Đoàn Ngân hàng Thế giới (WB) làm việc để xây dựng chương trình phát triển PPP tại Việt Nam, trong đó dự án Dầu Giây - Phan Thiết được đề xuất trở thành một trong những dự án thí điểm đầu tiên sử dụng mô hình PPP mới của Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, Bitexco được lựa chọn là nhà đầu tư thứ nhất giữ 60% cổ phần doanh nghiệp dự án đã được Chính phủ và WB lựa chọn là “minh bạch, đáp ứng yêu cầu của nhà tài trợ WB”. Tại thời điểm đó, Bitexco không chỉ là nhà đầu tư của giai đoạn chuẩn bị dự án mà còn là nhà đầu tư của giai đoạn thực hiện và giai đoạn khai thác, vận hành dự án; chỉ định đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thứ 2.

Trong giai đoạn 2012-2016, Bộ GTVT đã phối hợp với WB tổ chức đấu thầu quốc tế; phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng cấu trúc dự án để trình Chính phủ xem xét, thông qua để triển khai dự án.

Tuy nhiên, do những vướng mắc nhất định về pháp luật hiện hành (không thống nhất được với nhà tài trợ WB về các nội dung liên quan đến bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ…) nên cấu trúc dự án chưa được Chính phủ thông qua để triển khai. Bộ GTVT sau đó đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và huỷ kết quả sơ tuyển.

Theo Bộ GTVT, thời điểm năm 2016-2017, trước tình hình phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu vận tải dọc tuyến Bắc - Nam, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT nghiên cứu việc đầu tư hệ thống đường cao tốc Bắc Nam. Ngày 22/11/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 52/2017/QH14 thống nhất về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. 

Tiếp đó, ngày 28/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 20 nhắc đến ở trên, trong đó có chỉ đạo dừng triển khai Quyết định số 1597 năm 2012 về việc ban hành cơ chế quản lý, thực hiện dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức PPP và chấm dứt việc chỉ định Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất thực hiện dự án.

“Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng dự án thí điểm và chấm dứt chỉ định nhà đầu tư thứ nhất là yếu tố khách quan, do thay đổi về chủ trương đầu tư của Nhà nước”, Bộ GTVT cho biết.

Chi phí cơ hội bồi thường cho nhà đầu tư cả trăm tỷ đồng?

Đáng lưu ý, tại Nghị quyết 20, Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức xác định chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Công ty Bitexco, đàm phán với Công ty Bitexco theo 2 phương án để báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Theo đó, đối với phương án 1 (Tập đoàn Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư Dự án), Nhà nước sẽ sử dụng vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Bitexco ngay sau khi Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

Đối với phương án 2 (Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư), Bitexco sẽ được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ - CP của Chính phủ; kinh phí chuẩn bị dự án nằm trong chi phí đầu tư của Dự án và được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Dự án ngay sau khi có kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong văn bản lần này, Bộ GTVT cho biết, tổng chi phí chuẩn bị đầu tư bao gồm các khoản chi phí đã được Bitexco sử dụng nguồn vốn tự có để chi trả, thực hiện từ đầu dự án đến nay theo nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao (giai đoạn 2007-2018) là hơn 84 tỷ đồng.

Về chi phí cơ hội, Bộ GTVT cho hay, trong lĩnh vực giao thông vận tải, chưa có tiền lệ về thanh toán cho nhà đầu tư chi phí cơ hội trong trường hợp thay đổi chủ trương đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật Dân sự và theo Nghị quyết 20 của Chính phủ thị việc xác định chi phí cơ hội cho Bitexco đối với dự án Phan Thiết - Dầu Giây là “có cơ sở”.

Phía Bitexco báo cáo, trong trường hợp tiếp tục triển khai dự án PPP thí điểm theo Cơ chế tại Quyết định 1597, doanh nghiệp sẽ được hưởng tỷ suất lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu là 19%/năm. Theo Bitexco, đây là giá trị đảm bảo tính khả thi của dự án khi kêu gọi đầu tư quốc tế, đồng thời đã được WB thống nhất và xác định, tính toán trong phương án tài chính ban đầu.

Tuy nhiên, theo yêu cầu, Bitexco đã lựa chọn Tư vấn độc lập là CTCP Định giá và Dịch vụ Tài chính Việt Nam - VVFC (tiền thân là Trung tâm Thẩm định giá của Ban Vật giá Chính phủ, sau chuyển thành Trung tâm thẩm định giấ của Bộ Tài chính) để tính toán, xác định cụ thể chi phí cơ hội của Bitexco đối với dự án này.

Tư vấn VVFC đã xác định, tỷ suất lợi nhuận bình quân gia quyền của Bitexco được xác định tương đương 14%/năm, tương ứng với chi phí cơ hội đối với phần chi phí Bitexco đã sử dụng từ năm 2007-2018 lên tới 101,66 tỷ đồng và chi phí cơ hội của phần vốn phải chuẩn bị sẵn cho giai đoạn thực hiện đầu tư là 2,96 tỷ đồng. Tổng chi phí cơ hội được xác định hơn 104,63 tỷ đồng.

Các Bộ ngành nói gì?

Sau khi Bitexco đề xuất, hàng loạt Bộ ngành đã có công văn góp ý kiến về nội dung này. 

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về chi phí cơ hội, theo Luật Đầu tư chỉ áp dụng đối với việc thay đổi của pháp luật về ưu đãi đầu tư mà không áp dụng đối với các quyền, lợi ích khác của nhà đầu tư. Do đó, đề nghị Bộ GTVT rà soát lại nội dung dẫn chiếu.

Bộ Tư pháp cho biết, việc tính toán phương án bồi thường thoả đáng cho nhà đầu tư là phù hợp với tinh thần quy định về đảm bảo đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật tại Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc bội thường chi phí cơ hội cho nhà đầu tư. Do đó, nếu nhà đầu tư xác định chi phí cơ hội là một thiệt hại của mình thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ Luật Dân sự và văn bản pháp luật có liên quan.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, dự án chưa ký hợp đồng nên các nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên khi chấm dứt chỉ định Bitexco làm nhà đầu tư thứ nhất là chưa đủ căn cứ pháp lý và chế tài xử lý. Bộ GTVT chịu trách nhiệm đối với chi phí chuẩn bị đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay không có văn bản pháp lý quy định về khái niệm và phương pháp xác định, tính toán chi phí cơ hội.

“Để đảm bảo tính hợp lý và hài hoà lợi ích với mức độ chia sẻ rủi ro, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, tính toán phần chi phí cơ hội theo nguyên tắc dựa trên mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng thương mại đối với phần chi phí thực tế của nhà đầu tư đã thanh toán”, Bộ Tài chính nêu ý kiến.

Ngoài ra, các Bộ ngành cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo về phương án 2 trong trường hợp Bitexco tiếp tục tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phương Dung

banner_chan-bai.gif

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm