Dù ảnh hưởng dịch Covid-19, giá bất động sản vẫn còn ở... trên trời

Quế Sơn

(Dân trí) - Nhu cầu nhà ở của người dân tại các thành phố lớn là rất nhiều. Tuy nhiên, giá bất động sản trong nhiều năm qua liên tục tăng mạnh khiến việc tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng khó khăn.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh và nhiều nguyên nhân đã khiến cho thị trường bất động sản trở nên trầm lặng. Trước nhiều thách thức và tác động, nhưng giá bất động sản tại nhiều nơi vẫn đang ở mức... trên trời.

Theo đánh giá của DKRA tại thị trường TPHCM, trong quý 2, ở phân khúc đất nền có 3 dự án ra mắt thị trường, cung cấp khoảng 193 nền, tăng 10% so với nguồn cung mới của quý 1/2020, bằng 66% cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 53%, bằng 73% so với quý quý 1 và bằng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với phân khúc căn hộ, thị trường có khoảng 2.425 căn, tăng 56,8% so với quý 1, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới tích cực, đạt khoảng 72,8% (1.765 căn), tăng 54% so với quý 1 nhưng giảm khoảng 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Dù ảnh hưởng dịch Covid-19, giá bất động sản vẫn còn ở... trên trời - 1
Giá bất động sản vẫn đang leo cao và khiến cho việc tiếp cận nhà ở của người dân ngày càng khó hơn.

Bộ Xây dựng cũng có những đánh giá về biến động chỉ số giá nhà ở. Thống kê cho thấy, mặt bằng giá không có nhiều biến động, giá căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trên thị trường tăng nhẹ so với cuối năm 2019.

Tại thị trường Hà Nội, giá chung cư quý 1 tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,21%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 1,57% và căn hộ bình dân giá tăng khoảng 2,51%. Còn sản phẩm nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với thị trường TPHCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Cả ba phân khúc đều được ghi nhận có mức giá tăng: phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 2,75%, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,72%, đặc biệt là căn hộ bình dân giá tăng khoảng 3,78%. Ngoài ra, nhà ở riêng lẻ cũng tăng khoảng 8,36% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số công ty bất động sản cũng có những báo cáo đánh giá cho thấy, giá căn hộ tại nhiều thành phố lớn trên cả nước vẫn đang ở mức cao. Tại một số nơi mức giảm 5 - 10% chỉ là cục bộ và không đại diện cho toàn bộ thị trường.

Công ty CP Chứng khoán SSI còn dự báo, giá bất động sản dân cư tại Hà Nội sẽ tăng 2-3%, TPHCM tăng 7-10% trong năm 2020. Sang năm 2021, giá tăng tiếp ở hai thị trường lần lượt là 1-2% và 5-7%.

Qua ghi nhận giá nhà đất quận 2, tại phường Bình Trưng Đông đã có mức giá từ 70 – 140 triệu đồng/m2 đối với đất mặt tiền đường và 50 – 90 triệu đồng/m2 ở trong hẻm. Tại phường An Phú mức giá từ 130 – 260 triệu đồng/m2 đất mặt tiền và 90-130 triệu đồng/m2 đất trong hẻm. Tương tự, tại phường Thảo Điền, mức giá giao động từ 180-245 triệu đồng/m2 đối với nhà đất mặt tiền và trong hẻm có giá từ 120-170 triệu đồng/m2…

Chia sẻ với báo chí, TS Đinh Thế Hiển cho rằng, ở Việt Nam rất khó có làn sóng bán tháo bất động sản như nước ngoài, ngay cả trong dịch bệnh. Giai đoạn 2008 - 2012, giá nhà đất giảm tới 30-40% một phần do chính sách siết chặt tín dụng của nhà nước. Lãi suất cho vay thời điểm đó tới 24-27%/năm khiến những người vay để đầu cơ, lướt sóng bất động sản phá sản vì mất khả năng trả nợ.

"Hiện tại, lãi suất đang ở mức thấp khoảng 10 - 12%/năm là lợi thế giúp người vay mua nhà để ở, người vay mua nhà để đầu tư cũng có thể cầm cự được dù thị trường khó khăn. Triển vọng bất động sản đang giảm nhưng tùy thị trường, như bất động sản ở Đà Nẵng giảm khá mạnh do du lịch đi xuống. Tại TPHCM, khu vực quận 2, 9, Thủ Đức giá bất động sản vẫn tăng do kỳ vọng về hạ tầng phát triển…", TS Đinh Thế Hiển nhận định.