Đồng Tháp ở đâu trong bức tranh du lịch của miền Tây?

(Dân trí) - Với tiềm năng phong phú và nhiều di sản đặc sắc, Đồng Tháp được đánh giá là một trong những điểm sáng nổi bật về du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch của Đồng Tháp đang có khoảng cách khá xa so với các địa phương có lượng khách tương đồng.

Dấu ấn đất Sen hồng

Đồng Tháp là vùng đất nổi tiếng với những di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cùng nghệ thuật ẩm thực độc đáo. Theo ông Nguyễn Ngọc Thương, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, nguồn tài nguyên được phân bổ khá đồng đều là nền tảng để hình thành các khu, điểm du lịch đặc trưng của tỉnh như Khu di tích Xẻo Quýt, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng, Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ Gò Tháp - Đồng Sen… và đặc biệt là làng hoa kiểng Sa Đéc - thủ phủ hoa của miền Tây.

Tuy nhiên, du lịch Đồng Tháp chỉ thực sự bứt phá từ năm 2015, sau khi triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020. Nếu như năm 2014, tổng lượng khách du lịch đến “thủ phủ sen” mới chỉ khoảng 1,8 triệu lượt thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên 3,6 triệu lượt, chính thức vượt qua con số mục tiêu đặt ra tại Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020 (3,5 triệu lượt vào năm 2020).

3,6 triệu lượt khách của Đồng Tháp trong năm 2018 có thể nói là “ngôi sao sáng” nếu so với những tỉnh lân cận tại Đồng bằng sông Cửu Long vào cùng thời điểm như Vĩnh Long (1,3 triệu lượt khách), Tiền Giang (2 triệu lượt), Bến Tre (1,6 triệu lượt), Bạc Liêu (1,8 triệu lượt)…

Năm 2019, du lịch Đồng Tháp tiếp tục ghi nhận những dấu ấn tích cực với lượng khách đến Đồng Tháp đạt gần 2 triệu lượt chỉ trong 6 tháng đầu năm, với tổng doanh thu ước đạt 500 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm 2018.

Đồng Tháp ở đâu trong bức tranh du lịch của miền Tây? - 1
Làng hoa kiểng Sa Đéc là một điểm đến nổi bật thu hút du khách của Đồng Tháp

Cơ hội bứt phá

Mặc dù là điểm sáng du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long nhưng khi so sánh về doanh thu, có thể nói Đồng Tháp vẫn có một khoảng cách khá xa cần vượt qua nếu muốn bắt kịp các điểm đến có lượng khách gần ngang bằng như Bình Định hay Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Năm 2018, cả hai nơi này đều đón trên 4 triệu lượt khách, tức chênh lệch không quá lớn nếu so với 3,6 triệu lượt của Đồng Tháp. Tuy nhiên, nếu doanh thu du lịch của Đồng Tháp chỉ đạt mức 800 tỷ đồng thì Bình Định và Sầm Sơn lại có mức doanh thu gấp hơn 4 lần, ước tính đạt từ 3.300 – hơn 3.600 tỷ đồng.

Xét về cảnh quan và di sản, những lợi thế mà Đồng Tháp đang sở hữu hoàn toàn không kém cạnh so với Sầm Sơn hay Bình Định. Tuy nhiên, điều mà vùng đất Sen hồng đang thiếu là một hạ tầng đô thị, hạ tầng du lịch hiện đại và đồng bộ. Đây chính là nguyên nhân khách du lịch đến với Đồng Tháp chủ yếu là khách tham quan lưu trú ngắn ngày và ít chi tiêu.

Trong khi đó, cả Bình Định và Sầm Sơn đều đang ghi nhận những thay đổi ngoạn mục về hạ tầng du lịch trong vài năm nay, với sự xuất hiện của những khu đô thị biển cũng như những quần thể du lịch cao cấp, đồng bộ.

Những hạ tầng này được đánh giá là lực đẩy mạnh mẽ để các địa phương không chỉ thu hút du khách mà còn gia tăng mạnh mẽ về doanh thu, như ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định từng nhận xét: Khi Quần thể FLC Quy Nhơn đi vào hoạt động đã cải thiện rõ nét bức tranh du lịch toàn tỉnh. Trước đây Bình Định chỉ đón trên 1 triệu lượt khách thì sau đó đã tăng hơn 3 triệu, doanh thu lên tới vài ngàn tỷ đồng. Thu nhập người dân khu vực từ 20.000 đồng/ngày đã tăng lên tới 1 triệu đồng/ngày.

Hiểu được điều này, để tạo bước đột phá cho du lịch, Đồng Tháp đang có kế hoạch ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch trọng điểm.

Đồng Tháp ở đâu trong bức tranh du lịch của miền Tây? - 2

Phối cảnh hệ thống shopvilla nằm trong dự án FLC La Vista Sadec

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung mời gọi đầu tư, từng bước hình thành hệ thống các khách sạn - nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tổ hợp khách sạn kết hợp trung tâm thương mại - hội nghị - hội thảo, các đô thị kết hợp giải trí, tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; nâng cấp các điểm du lịch trọng điểm Tràm Chim, Gáo Giồng, Xẻo Quýt, làng Hòa An thuộc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc và Gò Tháp… để thu hút và giữ chân khách du lịch.

Ngày 21/7, Tập đoàn FLC đã chính thức khởi công Khu đô thị FLC La Vista Sadec, được định hướng xây dựng để trở thành một tổ hợp đô thị đồng bộ và hiện đại hàng đầu tại thủ phủ hoa của miền Tây. Điểm nhấn nổi bật của khu đô thị là hàng loạt tiện ích nội khu cao cấp lần đầu tiên được chú trọng đầu tư tại nơi đây như: quảng trường nước, phố ẩm thực hội tụ đặc sản từ mọi miền, tổ hợp thương mại, thung lũng hoa, công viên sinh thái…

Dự án hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu lưu trú, mua sắm, giải trí cũng như đầu tư của cư dân Đồng Tháp và vùng lân cận. Người dân Sa Đéc đang háo hức chờ đón một công trình đầu tư quy mô lớn, tạo thêm điểm nhấn về hạ tầng đô thị cũng hạ tầng du lịch cho đất Sen hồng.