1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Doanh nghiệp xây dựng khổ vì giá vật liệu bất thường, Bộ Xây dựng nói gì?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Bộ Xây dựng cho biết pháp luật hiện hành về hợp đồng xây dựng không có quy định điều chỉnh giá vật chủ yếu trong trường hợp có biến động bất thường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp xây dựng khổ vì giá vật liệu bất thường, Bộ Xây dựng nói gì? - 1

Ngay trong đầu năm 2022, giá thép lại tiếp tục tăng, nhà thầu xây dựng sốt vó (Ảnh: IT).

Mới đây, Bộ Xây dựng có công văn gửi UBND tỉnh Đồng Tháp trả lời kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đồng Tháp kiến nghị cho phép điều chỉnh giá một số vật liệu chủ yếu bị ảnh hưởng biến động bất thường bởi đại dịch Covid-19 đối với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, pháp luật về hợp đồng xây dựng không có quy định điều chỉnh giá vật liệu chủ yếu trong trường hợp có biến động bất thường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do vậy, Bộ không có cơ sở để hướng dẫn điều chỉnh giá vật liệu do biến động bất thường như kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Tháp.

Còn về kiến nghị xem xét, đưa vào quy định pháp luật trường hợp biến động giá làm tăng trên 10% giá hợp đồng được xem là bất khả kháng, Bộ Xây dựng cho biết, sự kiện bất khả kháng đã được quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự, khoản 2 Điều 51 Nghị định số 37/2015 ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. "Việc xem xét biến động giá làm tăng trên 10% giá hợp đồng là bất khả kháng hay không cần căn cứ quy định trên để đánh giá xem xét", Bộ Xây dựng cho hay.

Đối với kiến nghị cho phép hỗ trợ chi phí phát sinh do thực hiện kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, đối với các khoản chi phí phải bổ sung do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các bên xem xét bổ sung vào giá hợp đồng theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 143 Luật Xây dựng số 50/2014 và Khoản 2 Điều 15 Nghị định số 37/2015, đảm bảo phù hợp với nội dung hợp đồng đã ký và quy định pháp luật.

Các biện pháp phòng, chống dịch chủ yếu ở đây như chi phí xét nghiệm, chi phí khử khuẩn, khẩu trang, đi lại, ăn ở, trợ cấp trong thời gian giãn cách, cách ly, phong tỏa; chi phí tạm thời giải thể và huy động lại lực lượng lao động, máy móc thi công...

Về việc xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm thuế giá trị gia tăng, Bộ Xây dựng cho biết ghi nhận các kiến nghị nêu trên của UBND tỉnh Đồng Tháp để phối hợp cùng Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất giải pháp, xây dựng hoàn thiện thể chế theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Trước đó, năm 2021 và đầu năm 2022, thị trường chứng kiến sự tăng vọt của nhiều vật liệu xây dựng, trong đó có thép. Điều này khiến không chỉ ngành xây dựng lao đao mà cử tri cả nước lo ngại.

Cử tri đã kiến nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các ngành chức năng liên quan có biện pháp ổn định giá cả thị trường vật liệu xây dựng để các công trình, dự án đang thực hiện được hoàn thành theo tiến độ, góp phần phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, giá một số loại vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao trong nửa đầu năm 2021. So với tháng 12/2020, giá xi măng tăng 2,5-3%, kính xây dựng tăng khoảng 19%, gạch nung tăng 4-7%, cát bê tông tăng 9,37-12,5%; đặc biệt giá thép xây dựng tăng mạnh từ 30% đến 40% tùy theo chủng loại. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2021, giá vật liệu xây dựng cơ bản đã được kiểm soát, có xu hướng ổn định.

Do chi phí vật liệu xây dựng chiếm 65-70% giá trị dự toán xây dựng công trình nên việc tăng giá trong những tháng đầu năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng công trình cũng như hiệu quả của các dự án, Bộ Xây dựng cho biết.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung ban hành các quy định của pháp luật có liên quan hoặc hướng dẫn theo thẩm quyền các nội dung liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng… để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng.