Doanh nghiệp bất động sản trở lại đường đua trái phiếu doanh nghiệp

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai về giá trị phát hành trái phiếu trong tháng 8 với 1.800 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8 năm nay, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 14.230 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành với giá trị là 11.730 tỷ đồng.

Nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai, phát hành là 1.800 tỷ đồng. Ở nhóm này, có 2 đợt phát hành từ Công ty cổ phần Fuji Nutri Food và Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền.

Doanh nghiệp bất động sản trở lại đường đua trái phiếu doanh nghiệp - 1

Giá trị đáo hạn của trái phiếu bất động sản vào cuối năm 2022 sẽ đạt khoảng 37.000 tỷ đồng (Ảnh: Mạnh Quân).

Về kế hoạch phát hành sắp tới, Tập Đoàn Đất Xanh đã phê duyệt phương án phát trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với tổng giá trị phát hành tối đa 300 triệu USD. Công ty cổ phần Miền Đông cũng đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12%/năm với giá trị phát hành không quá 70 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 8 năm nay, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Tập đoàn Vingroup trị giá 625 triệu USD, 18 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 9.296 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 344 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 211.300 tỷ đồng (chiếm 96%). Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 119,633 tỷ đồng, tương đương 54,2% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 47.060 tỷ đồng, chiếm 21,3%.

Còn theo một báo cáo mới từ FiinGroup, giá trị đáo hạn của trái phiếu bất động sản vào cuối năm nay sẽ đạt khoảng 37.000 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp chưa niêm yết chiếm phần lớn với 84% tổng giá trị so với con số 16% của các doanh nghiệp niêm yết. Áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong gia đoạn 2023 - 2024, việc đảm bảo nguồn vốn đảo nợ sẽ trở thành vấn đề cấp thiết.

Trước đó, thị trường trái phiếu vắng bóng các "đại gia" bất động sản trong tháng 7. Cụ thể, theo VBMA, có 28 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị là 18.661 tỷ đồng. Nhóm ngân hàng thương mại đứng đầu về giá trị phát hành, tiếp đến là nhóm các doanh nghiệp tài chính. Chỉ có một doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng này.

Sau tháng 4 tạm dừng hoạt động phát hành trái phiếu do ảnh hưởng từ sự kiện hủy 9 lô trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, các doanh nghiệp bất động sản đã rục rịch trở lại trên kênh này để huy động hàng chục nghìn tỷ đồng trong tháng 5 và 6. Song đến tháng 7, thị trường lại gần như vắng bóng trái phiếu bất động sản phát hành mới.

Phát biểu tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng chủ trì hồi tháng 7, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết Bộ đang trình Chính phủ và sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý tại Nghị định số 153 nhằm quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, vừa đảm bảo hạn chế và kiểm soát được các rủi ro, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.

Đối với hoạt động kiểm tra giám sát, Bộ Tài chính cho biết tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư.

Sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính sẽ thực hiện công bố thông tin rộng rãi các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt vi phạm hành chính để chấn chỉnh, đảm bảo minh bạch thị trường.