Cuộc đua trái phiếu của “đại gia” địa ốc: Lộ diện chiến binh “khủng”
(Dân trí) - Vốn từ ngân hàng bị siết lại là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Có những doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất cao gấp đôi ngân hàng, thậm chí lên đến 14% và cao hơn thế nữa là 20%.
Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt nam tháng 11/2019 vừa công bố của nhóm nghiên cứu SSI cho biết, trong tháng 11/2019, có 24.199 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành nâng tổng lượng phát hành 11 tháng đầu năm là 206.680 tỷ đồng bao gồm cả phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.
Con số này chưa bao gồm các các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm 2019 do chưa được công bố chi tiết.
Tuy nhiên theo SSI, căn cứ dữ liệu tổng hợp kết quả phát hành riêng lẻ lũy kế 10 tháng của HNX, ước tính lượng phát hành riêng lẻ 3 tháng đầu năm 2019 là khoảng 30.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp thực tế phát hành 11 tháng đầu năm là khoảng 237 nghìn tỷ đồng, cao hơn 5,8% so với tổng lượng phát hành trong cả năm 2018.
Báo cáo của SSI cho biết, kỳ hạn và lãi suất bình quân toàn thị trường là 3,71 năm và 8,7%/năm. Trong đó nhóm có kỳ hạn dài nhất là nhóm phát triển hạ tầng (5,14 năm); nhóm bất động sản có lãi suất bình quân 10,24%, cao hơn hẳn các nhóm ngân hàng, định chế tài chính, phát triển hạ tầng nhưng vẫn thấp hơn nhóm các doanh nghiệp khác (10,49%) do ảnh hưởng của lô phát hành 1.402 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm, lãi suất 20%/năm của CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng.
Theo báo cáo, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 6.952 tỷ đồng trong tháng 11, và tổng cộng 71.312 tỷ đồng trong 11 tháng 2019 - chiếm 34,5% tổng lượng phát hành toàn thị trường.
Lô phát hành lớn nhất trong tháng là 2.029 tỷ đồng của Công ty CP Tiếp vận và Bất động sản Tân Liên Phát Tân Cảng với kỳ hạn 12 tháng và do 1 định chế tài chính mua toàn bộ. Techcombank là tổ chức quản lý tài sản đảm bảo, tài khoản tiền trái phiếu, lãi suất các kỳ thả nổi của trái phiếu cũng được tham chiếu theo lãi suất cho vay ngắn hạn của Techcombank, tài sản đảm bảo là cổ phần của Vingroup - một đối tác lớn của Techcombank.
Ngoài ra, theo SSI, có các lô phát hành trái phiếu bất động sản lớn khác gồm: 1.500 tỷ đồng trái phiếu 5 năm của CTCP Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng, 1.135 tỷ đồng trái phiếu 18 tháng của CTCP Veracity- chủ đầu tư dự án Summit Building (Hà Nội); 570 tỷ đồng trái phiếu 2 năm của Vinametric - chủ khách sạn Saigon Prince Hotel; 500 tỷ trái phiếu kèm chứng quyền của Tập đoàn Hà Đô; 500 tỷ đồng trái phiếu 3 năm của Hưng Thịnh Land...
Vốn từ ngân hàng bị siết lại là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn từ phát hành trái phiếu. Có những doanh nghiệp đưa ra mức lãi suất cao gấp đôi ngân hàng, thậm chí lên đến 14% và cao hơn thế nữa là 20%.
Trước đó, tính riêng tháng 10/2019 có 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành nhưng chủ thể phát hành nhiều không phải là các ngân hàng thương mại mà thuộc về các công ty bất động sản với 9.349 tỷ đồng trái phiếu được phát hành.
Trong đó, riêng Công ty TNHH Vinametric – chủ sở hữu của khách sạn Saigon Prince Hotel phát hành tổng cộng 3.705 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất thả nổi (kỳ đầu 10,5%/năm, các kỳ sau bằng lãi suất tham chiếu +3.65%/năm), kỳ trả lãi 6 tháng; toàn bộ đều do Công ty CP Chứng khoán Kỹ Thương làm đầu mối phát hành, lưu ký.
Đứng thứ 2 là Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon) phát hành 1.850 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/năm và toàn bộ do HDBS thu xếp phát hành, lưu ký.
Thời gian qua xuất hiện làn sóng phát hành trái phiếu rầm rộ của các doanh nghiệp bất động sản. Theo lý giải chuyên gia, với việc thắt chặt tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp phải tìm đến kênh huy động vốn khác, trong đó có phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bộ phận tư vấn Savills cho rằng, để trả chi phí vốn cao thì các dự án của họ phải tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn thế nhiều.
“Thị trường bất động sản trong quá khứ cũng có dự án tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao nhưng gần đây không diễn ra thường xuyên nữa rồi. Chi phí đất cao hơn, nếu không có được hỗ trợ hay điều gì diễn ra bất thường và đặc biệt thì doanh nghiệp khó mà trang trải chi phí tài chính vốn lớn như vậy”, ông Sơn bình luận.
Với lãi suất cao ngất ngưởng, vị chuyên gia này đánh giá: Sẽ rủi ro lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng chung cho cả thị trường.
Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Viện kinh tế và chính trị thế giới, về nguyên tắc chung, lãi suất cao đi kèm với rủi ro lớn. Đặc biệt, những kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời lên tới 14-20% thì càng nên cân nhắc một cách cẩn trọng.
Nguyễn Mạnh