Điểm khó hiểu thị trường địa ốc: Giao dịch trầm lắng, giá vẫn leo thang

(Dân trí) - Mặc dù nhu cầu giảm, lượng giao dịch có xu hướng ít hơn nhưng theo quan sát của giới chuyên gia, giá nhà đất chưa có dấu hiệu giảm nhiệt...

Điểm khó hiểu thị trường địa ốc: Giao dịch trầm lắng, giá vẫn leo thang - 1

Hình minh hoạ.


Người dân giảm tìm kiếm mua nhà đất

Anh Ngọc Tú, một môi giới chung cư tại Hà Nội cho biết từ sau Tết, khi dịch virus COVID-19 bùng phát, thị trường bất động sản ảm đạm hẳn. Nhiều khách hẹn đi xem nhà nhưng sau đó lại thông báo do dịch bệnh ngày càng phức tạp nên hạn chế ra ngoài.

Một số sàn, chủ đầu tư có nguồn hàng sẵn có kế hoạch mở bán dự án thời điểm sau Tết cũng tạm lùi lịch mở bán để chờ dịch bệnh có xu hướng giảm, thị trường hoạt động trở lại bình thường.

Số liệu nghiên cứu trực tuyến của Batdongsan.com.vn cũng phản ánh sự trầm lắng của thị trường. Theo đó, giao dịch nhà đất trong thời điểm đầu năm 2020 đang có xu hướng giảm đi.

Cụ thể, tổng lượng tin đăng rao bán bất động sản tính riêng trong tháng 1/2020 giảm 21%, nhu cầu tìm kiếm cũng giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm 2019.

Nếu so sánh với thời điểm trước Tết, nhu cầu tìm mua nhà đất giảm thêm 9,3%. Riêng khu vực phía Nam, mức độ quan tâm đến bất động sản của người mua giảm gần 30%, đặc biệt là ở loại hình đất nền và biệt thự, mức giảm ghi nhận từ 20-40% so với cùng kỳ.

Tại TP.HCM, số liệu thống kê cũng cho thấy nhu cầu tìm kiếm bất động sản giảm mạnh đến 16,6% so với thời điểm này năm 2019.

Một trong những khó khăn hiện nay với doanh nghiệp môi giới, chủ đầu tư, đó là tâm lý e ngại đến chỗ nơi đông người của khách hàng.

“Nhiều khách hàng quan tâm trong năm nhưng ra Tết thì cũng chỉ trao đổi qua điện thoại, nói chưa muốn gặp. Chắc phải khi dịch bắt đầu được kiểm soát, người dân bớt tâm lý lo ngại, thị trường mới giao dịch bình thường trở lại được. Bởi nhà ở là nhu cầu thiết yếu, giai đoạn này nén cầu thì sau đó sẽ bung ra", ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ nói với Dân trí.

Nghịch lý, cầu giảm nhưng giá vẫn leo

Mặc dù nhu cầu giảm, lượng giao dịch có xu hướng ít hơn nhưng theo quan sát của giới chuyên gia, giá nhà đất chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Còn nhớ tại thời điểm ngoái, dù giao dịch giảm, thị trường ảm đạm nhưng giá nhà đất vẫn tăng vù vù. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2019, thị trường bất động sản cả nước chỉ đạt khoảng 83.136 giao dịch (giảm 26,1% so với năm 2018), trong đó giảm mạnh nhất là bất động sản nghỉ dưỡng khi chỉ có 6.280 giao dịch (giảm khoảng 20% với năm 2018).

Mặc dù giao dịch giảm nhưng theo báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, giá bán căn hộ trung và cao cấp tại Hà Nội vẫn tăng.

Tại TP.HCM, số liệu báo cáo của riêng HoREA cho thấy, giá căn hộ sơ cấp tại TP.HCM tăng khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ. 

Bước sang năm 2020, nhiều nhận định cho rằng giá cả tiếp tục sẽ leo thang đối với các phân khúc bất động sản như đất nền, chung cư, biệt thự liền kề. Trong đó phân khúc chung cư chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm, số lượng dự án mới giảm. Trong khi đó đất nền thì nóng sốt, tăng giá một số khu vực nhất định.

“Mặc dù giao dịch từ Tết ra còn khá trầm lắng, nhưng tôi cho rằng mặt bằng giá cả để điều chỉnh được cần một thời gian dài. Chưa kể, dịch bệnh chỉ là vấn đề nhất thời. Điều quan trọng để giảm giá bất động sản là nguồn cung phải lớn hơn so với cầu", một chuyên gia bất động sản nêu quan điểm.

Số liệu của Batdongsan.com.vn cũng phản ánh mức độ tăng giá trên thị trường bất chấp dịch. Cụ thể, chỉ mới qua 1 tháng sau Tết, giá bán trung bình căn hộ tại TP.HCM đã tăng thêm hơn 1,6%.

Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, nếu không có giải pháp khơi thông nguồn cung, phát triển các dự án nhà ở mới, nguy cơ giá nhà, đất sẽ còn tăng cao, nhất là với các phân khúc đáp ứng nhu cầu nhà ở thật.

Ở một góc độ khác, trong khi nỗi lo khan hiếm nguồn cung do chính quyền siết việc cấp phép dự án vẫn đang đè nặng, thì thị trường lại tiếp tục nỗi lo mới về việc bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 với khung giá tăng rất mạnh được áp dụng sẽ khiến cho mặt bằng giá của thị trường tăng nhanh.

Mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM báo cáo tổng hợp các đề xuất của hiệp hội nhằm tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân.

Trước diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, Hiệp hội này đã đề nghị xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch. Theo đó, HoREA cho rằng, dịch cúm corona đang tác động rất lớn đến nền kinh tế toàn cầu và nước ta, làm tăng thêm khó khăn cho thị trường bất động sản, trước hết là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Do vậy, HoREA đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch nCoV, về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu lại các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế… để giúp cho một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn.

Nguyễn Mạnh