Dịch bệnh kéo dài, giá nhà tại TPHCM vẫn ở "trên trời"
(Dân trí) - Dịch bệnh bùng phát kéo dài nhưng giá nhà tại TPHCM vẫn không có dấu hiệu giảm dù giao dịch trầm lắng.
Nhất quyết không hạ giá nhà
Trong vai người có nhu cầu mua đất nền, chúng tôi gặp anh Trần Bình - môi giới bất động sản tại quận 9, TPHCM. Anh Bình cho biết, dịch bệnh khiến lượng khách mua bất động sản hầu như "biến mất". Suốt 10 ngày qua, anh chỉ tiếp đúng một khách.
"Họ nhờ tôi dẫn đi coi đất rồi về luôn và không quay lại. Hiện nay, kiếm được khách mua là rất khó. Tình hình chung của thị trường rồi", anh Bình nói.
Môi giới này sau đó dẫn chúng tôi đến một dự án trên đường Võ Văn Hát, phường Long Trường (quận 9). Tại đây, người môi giới chia sẻ về lô đất có diện tích 92 m2, đường trước đất rộng 9 m có giá bán 5,1 tỷ đồng.
Theo anh Bình, lô đất này đã có giá 5,1 tỷ đồng từ tháng 4. Dù 2 tháng chưa bán xong, chủ đất vẫn kiên quyết không giảm giá.
"Tôi có tư vấn chủ đất nên giảm khoảng 200 triệu đồng để bán nhanh hơn nhưng họ không giảm", anh Bình nói.
Cũng theo anh Bình, nhiều lô đất nền, nhà phố tại khu vực phường Long Phước, Long Trường, Trường Thạnh cũng không giảm giá trong mùa dịch. Các chủ đất đều hy vọng thị trường sẽ sôi động trở lại sau tháng 6.
Bà Lê Thị Phương, chủ một ngôi nhà tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, cho biết, bà cần thêm nguồn vốn làm ăn nên quyết định bán ngôi nhà rộng 200 m2 của mình với giá 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, suốt 3 tháng qua, ngôi nhà vẫn chưa bán xong.
Theo bà Phương, trước đây, để mua được ngôi nhà này, bà phải vay ngân hàng thêm 5 tỷ đồng. Mỗi tháng, bà đóng tiền gốc và lãi khoảng 60 triệu đồng.
"Nhiều người khuyên tôi giảm giá khoảng 500 - 600 triệu đồng để bán nhanh hơn nhưng tôi không bán. Nếu giảm giá thì coi như tôi đầu tư vào căn nhà này không có lời. Bởi, số tiền lãi đóng cho ngân hàng trong 3 năm qua đã là 1,5 tỷ đồng", bà Phương nói.
Bà Phương cho rằng, bà sẽ cố gắng "cầm cự" qua đợt dịch này rồi mới tính tiếp và nhất định không giảm giá nhà.
Cũng như bà Phương, ông Võ Văn Thắng - nhà đầu tư tại quận 1 - cho biết, ông cũng đang "gồng" tiền lãi cho 3 căn hộ mua tại quận 2. Mỗi tháng, ông trả cả tiền gốc và lãi cho ngân hàng khoảng 70 triệu đồng.
"Tôi rao bán 3 căn hộ này với giá 4,4 - 4,6 tỷ đồng/căn. Tuy nhiên, tôi chỉ bán đúng theo giá thị trường và không giảm giá. Thà tôi trả tiền lãi cho ngân hàng hàng tháng rồi chờ thị trường sôi động trở lại còn hơn là bán rẻ", ông Thắng nói.
Theo các chuyên gia bất động sản tại TPHCM, dù dịch bệnh bùng phát kéo dài, lượng giao dịch "trầm lắng" nhưng giá nhà bán ra vẫn không có dấu hiệu giảm. Điều này càng khiến thị trường càng trở nên "ảm đạm" hơn.
Cẩn thận với "bong bóng tài sản"
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho rằng, giá nhà vẫn "neo" ở mức cao và khó có thể giảm trong thời điểm này. Tuy nhiên, khả năng giá nhà gặp khủng hoảng trong năm nay là không lớn.
Theo ông Châu, hiện nay, "bong bóng tài sản" đang có dấu hiệu phình to do nguồn tiền đổ vào bất động sản ngày càng tăng mạnh. Trong khi đó, nguồn tiền đổ vào bất động sản có thể xuất phát từ nguồn gốc minh bạch và cũng có thể xuất phát từ những nguồn tiền "bẩn".
Cũng theo ông Châu, "bong bóng tài sản" ngày càng tăng lên là điều rất nguy hiểm, có thể dẫn tới những rủi ro lớn cho người dân, nhà đầu tư.
"Muốn bong bóng không bị vỡ ra thì nhà đầu tư phải đủ sức chịu đựng. Và sự chịu đựng này phục thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế, mà sự phục hồi kinh tế phải phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch Covid-19", ông Châu nói.
Ông Châu cho rằng, việc kiểm soát dịch Covid-19 đang rất trông chờ vào hai yếu tố cốt lõi đó là vắc xin và công nghệ. Khi làm chủ được những yếu tố này thì việc phục hồi nền kinh tế mới trở nên "sáng sủa" và bất động sản sẽ có động lực để vươn lên.
Ông David Jackson, chuyên gia bất động sản của Colliers Việt Nam, cho biết, trong tháng 5 vừa qua, thị trường TPHCM hầu như không có nguồn cung bất động sản mới. Nguồn sản phẩm đủ điều kiện để giao dịch không nhiều, các kế hoạch mở bán mới được tạm dừng lại bởi lệnh giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các sàn giao dịch trực tuyến, lượng người quan tâm đến sản phẩm vẫn tăng. Thị trường thứ cấp vẫn có giao dịch và nhu cầu mua vẫn khá nhiều.
Ông David Jackson nhận thấy trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, phương thức bán hàng của các tổ chức, cá nhân được diễn ra linh động hơn dựa trên các kênh trực tuyến.
"Các nhân viên làm việc tại nhà cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác bán hàng nhưng nhìn chung sự ảnh hưởng là không lớn. Bởi, việc trao đổi thông tin với khách hàng thông qua zalo, viber, facebook… là khá thuận tiện", ông nói.
Theo dự đoán của chuyên gia này, giá nhà tại TPHCM tính đến cuối năm nay có khả năng sẽ tiếp đà tăng bởi 4 lý do chính.
Thứ nhất, lãi suất vay mua nhà đang thấp và là điều kiện thuận lợi để sử dụng đòn bẩy tài chính. Nhu cầu nhà ở vẫn cao trong khi nguồn cung thuộc phân khúc trung cấp, đủ điều kiện bán ra vẫn còn thiếu.
Thứ hai, nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở các khu vực trọng điểm tiếp tục được phát triển, góp phần khiến cho mặt bằng giá sơ cấp và thứ cấp đều tăng. Khoảng 15,2 tỷ USD đã được chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của TPHCM kể từ năm 2010 (bao gồm cả các dự án tại thành phố Thủ Đức). Việc thành phố mới Thủ Đức chính thức được thành lập cũng khiến giá nhà đất tại đây tăng "chóng mặt".
Lý do thứ ba là đông đảo nhà đầu tư luôn tin rằng bất động sản là "hầm trú ẩn" an toàn, sẽ tăng giá theo thời gian.
Lý do thứ tư là các chương trình tiêm vắc xin đang được triển khai ở Việt Nam và nhiều quốc gia. Khi đại dịch Covid-19 được khống chế, người mua đến từ các nước cũng sẽ góp phần làm cho nhu cầu tăng cao hơn và giá tăng tốt hơn.