Đi ngược xu hướng, nhà đầu tư bỏ túi bạc tỷ khi rót vốn vào đất nền ven đô
(Dân trí) - Đầu năm ngoái, trong khi thị trường gần như "đóng băng" giao dịch, thì nhiều nhà đầu tư đánh "liều" rót vốn vào đất nền ven đô.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường bất động sản Hà Nội. Vào thời điểm đầu năm, thị trường có xu hướng chững lại, khối lượng giao dịch giảm tới 50% - 60% so với năm trước.
Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này là do nhà đầu tư cẩn trọng hơn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đồng thời, họ có tâm lý chờ đợi giá đất hạ nhiệt để đầu tư.
Đi ngược lại với xu hướng này, vào tháng 3/2020, chị Nguyễn Thị Yến (Hoàng Mai, Hà Nội) lại quyết định đầu từ 4,2 tỷ đồng vào một mảnh đất 120 m2 tại xã Đông Dư (Gia Lâm), tương đương 35 triệu đồng/m2.
Trước khi quyết định đầu tư, chị nhận được nhiều lời khuyên ngăn từ bạn bè, đồng nghiệp hoặc một số nhà đầu tư có kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường bất động sản.
Đa phần, nhiều người cho rằng, trong bối cảnh thị trường đang gặp vô vàn khó khăn vì dịch bệnh, giá nhà có thể sẽ giảm sâu vào cuối năm. Do đó, đầu tư vào thời điểm dịch bệnh vẫn còn "nóng" là quyết định vội vàng.
Thực tế cho thấy, lựa chọn đi ngược theo xu thế lại mang lại thành công bất ngờ cho chị Yến. Sau nửa năm đầu tư, mảnh đất 4,2 tỷ đồng đã tăng lên 4,5 tỷ đồng, lời 300 triệu đồng.
Thậm chí, với thông tin Hà Nội chuẩn bị xây dựng thêm 10 cầu vượt sông Hồng, đất nền khu vực Long Biên, Gia Lâm vẫn có cơ hội tăng mạnh trong vòng 3 - 4 năm nữa.
"Lúc mới mua, ai cũng bảo tôi dại và luôn hỏi tại sao không chờ thêm một vài tháng nữa, chờ giá đất giảm. Tuy nhiên, với kinh nghiệm gần 10 năm theo thị trường bất động sản, tôi cho rằng đất nền ven đô, nhất là khu vực Gia Lâm, Long Biên chỉ có tăng, chứ không giảm, nhờ 3 yếu tố. Thứ nhất, Gia Lâm đang có quy hoạch lên quận, thứ hai đất khu vực này khan hiếm. Thứ ba, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, mở rộng", bà Yến nói.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Huy Hoàng (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nhận được lợi nhuận "khủng" từ việc đi ngược với xu hướng thị trường.
Thay vì đầu tư ở Gia Lâm, ông Hoàng lựa chọn một lô đất 120 m2 tại xã Đức Thượng, Hoài Đức. Thời điểm tháng 4/2020, giá trị lô đất này là 3,1 tỷ đồng (khoảng 26 triệu đồng/m2). Cho tới hiện tại, giá trị lô đất đã tăng lên 3,85 tỷ đồng. Như vậy, chưa tới một năm, lô đất này đã sinh lời 750 triệu đồng.
Theo báo cáo của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs), bất chấp các ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, giá đất nền ở khu vực ven đô Hà Nội vẫn tăng mạnh.
Riêng phân khúc nhà đất, giá trị đã tăng trung bình 5% so với năm ngoái. Một số khu vực nhà phố ở Hà Đông, như Kiến Hưng, Tố Hữu đã tăng kỷ lục, từ 200 - 300 triệu đồng/m2.
Các khu vực khác như Hoài Đức, Thạch Thất, Sơn Tây... giá đất cũng tăng bình quân 50% so với năm ngoái. Ngay cả đất làng, đất xã cũng tăng lên ngưỡng 25 - 30 triệu đồng/m2. Đông Anh, Gia Lâm cũng tăng 20% - 30% so với năm 2019.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá đất nền ven đô tăng mạnh trong 2020, một phần là do nguồn cung đang khan hiếm. Quỹ đất của các huyện ven đô cũng có giới hạn, khiến giá trị đẩy lên cao.
Thứ hai, năm ngoái, các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, trái phiếu đều có nhiều biến động. Trong khi đó, bất động sản là kênh đầu tư an toàn nhất, với giá trị tăng đều mỗi năm. Do đó, nhiều nhà đầu tư đã chuyển dịch dòng vốn, từ các kênh đầu tư khác sang bất động sản để kiếm lời.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: Nguyên nhân thứ 3 khiến giá đất nền tăng bất chấp là do các hoạt động đầu cơ, thổi giá của giới "cò" đất.
Theo ông Đính, giá đất tăng 50% hay tăng gấp đôi trong thời gian vài tháng là điều đi ngược với quy luật của thị trường. Ông Đính khuyến cáo người dân và những nhà đầu tư, trước khi xuống tiền nên tìm hiểu kỹ các quy hoạch vùng liên quan, xem các dự án, khu đô thị có đảm bảo tính pháp lý hay không. Đồng thời phải kiểm tra biên độ tăng giá đất trong 1 năm, xem có tăng ảo hay không. Nếu mức tăng trong 1 năm lên tới 20%, 30% thì nên cẩn trọng.
Dù vậy, ông Đính vẫn đánh giá, đất nền ven đô, nhất là đất nền có sổ đỏ vẫn là "con gà đẻ trứng vàng" của thị trường bất động sản Hà Nội. Trong 3 - 4 năm tới, phân khúc này vẫn có đà tăng từ 5% đến 10%.
"Dịch bệnh chỉ khiến thị trường suy giảm về khối lượng giao dịch, chứ không giúp thị trường giảm giá. Đây là một đặc điểm "lạ" của bất động sản Việt Nam, khi khó giảm, nhưng lại rất dễ tăng. Vì vậy, tôi mới cho rằng phân khúc này vẫn còn tiềm năng trong thời gian tới", ông Đính nói.