Đền Kasuga Taisha với nghìn chiếc đèn lồng mang ước vọng trăm năm
(Dân trí) - Đèn lồng được dâng lên đền từ cuối thời Heian để cầu hạnh phúc, sức khỏe, tài lộc hoặc bình an khi ra trận. Những chiếc lâu đời nhất đã gần nghìn tuổi.
Người ta vẫn hay nói: Hạnh phúc nằm ở hành trình, chứ không phải điểm đến. Điều này đúng với đền Kasuga Taisha ở Nara, nơi bạn có thể cảm nhận được không khí ảo diệu ngay trên con đường dẫn lên chính điện.
Vì là đền thờ Thần đạo (Shinto) nên vị trí của Kasuga Taisha khá đặc biệt. Thần đạo vốn gắn bó sâu sắc với thiên nhiên và dạo bộ giữa rừng khiến người ta cảm thấy như mình đang lạc vào một thời đại khác, cho dù nơi ấy chỉ cách những con phố đông đúc chỉ vài cây số. Tâm trí được gột rửa và những lời nguyện cầu dường như linh thiêng hơn.
Con đường dẫn lên đền đưa bạn đi qua những cảnh trí đầy hấp dẫn của rừng Nara với hàng nghìn chiếc đèn lồng đá phủ đầy rêu và địa y, thảng hoặc còn có nai chạy qua. Vốn được coi là sứ giả linh thiêng của các thần Shinto, nai trú ngụ quanh đền và khu vực rừng núi xung quanh. Nếu tới đây vào tháng 5, bạn sẽ có cơ hội ngắm sắc tím của hoa tử đằng vương vấn khắp nơi.
Đèn lồng dâng lên thần linh
Kasuga Taisha có nhiều đèn lồng hơn bất cứ đền thờ nào ở Nhật Bản, tổng cộng phải hơn 3.000 chiếc với hơn 2.000 đèn lồng đá và hàng trăm chiếc đèn lồng treo bằng đồng. Những chiếc đèn này vốn là lễ vật do người dân dâng tặng. Đèn từ trước thời Edo mang màu xanh lục, trong khi những chiếc mới hơn từ thời Heisei thì lấp lánh ánh vàng.
Đèn lồng được dâng lên đền từ cuối thời Heian để cầu hạnh phúc, sức khỏe, tài lộc hoặc bình an khi ra trận. Những chiếc lâu đời nhất đã gần nghìn tuổi.
Vào thời Trung cổ, chỉ có samurai và các thương nhân giàu có nhất mới có thể dâng tặng đền nguyên một chiếc đèn lồng. Nhiều samurai nổi tiếng, trong đó có cả các thành viên Mạc phủ Tokugawa, và nhiều lãnh chúa đã dâng tặng đèn lồng cho đền Kasuga Taiga. Những chiếc đèn lồng ấy vẫn còn cho tới ngày nay.
Cho tới cuối thời Meiji, đèn lồng được thắp sáng mỗi đêm vào lúc hoàng hôn. Ngày nay, đèn chỉ còn được thắp vào hai dịp: Ngày 31/12 và trong thời gian diễn ra lễ Obon (lễ Vu lan của Nhật Bản) - thời điểm ranh giới giữa các thế giới trở nên mong manh và linh hồn người đã khuất quay trở về.
Những chiếc đèn lồng Nhật Bản gồm 5 phần tượng trưng cho 5 yếu tố đất, nước, lửa, khí và tinh thần. Tại Kasuga Taisha những chiếc đèn lồng mang theo lòng tôn kính với đức tin hàng thế kỷ vào các vệ thần chở che cho người Nhật.
Phần lớn 2.000 chiếc đèn lồng đá được khắc những ký tự 春日社 (Kasugasha) nhưng trong đó có 15 chiếc khắc ký tự 春日大明神 (Kasuga Daimyojin). Truyền thuyết kể rằng nếu bạn tìm thấy 3 trong số 15 chiếc này trước khi trời tối, bạn sẽ trở thành tỉ phú.
Đến Kasuga Taisha vào ban ngày, bạn có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của cảnh quan xung quanh và cả những chi tiết độc đáo có trên những chiếc đèn lồng đá phủ rêu. Tuy nhiên, Kasuga Taisha vào ban đêm lại mang một không khí hoàn toàn khác. Những chiếc đèn lồng đẹp mê hồn sẽ khiến bạn quên đi giá lạnh.
Di sản nghìn năm từ gia tộc hùng mạnh năm xưa
Kasuga Taisha vốn được lãnh chúa của gia tộc Fujiwara xây dựng vào năm 768. Các đền thờ Nhật Bản thường thờ 1 hoặc 2 vị thần nhưng nhờ thế lực hùng mạnh của dòng họ Fujiwara, Kasuga Taisha đón 4 vị thần, gồm cả các thần từ Chiba, Ibaraki và Osaka.
Ngôi đền nổi tiếng là ví dụ điển hình cho phong cách kiến trúc Kasuga-zukuri, phong cách có từ đầu thế kỷ 8, đặc trưng trưng với phần mái kiểu Trung Hoa và màu sơn son đỏ. Kasuga Taisa là di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Hàng cột sơn son đỏ tươi, tường trắng và phần mái lợp bằng vỏ cây bách hinoki tương phản với sắc xanh của khu rừng nguyên sinh bao bọc lấy đền. Vẻ đẹp êm đềm ấy chưa từng thay đổi kể từ khi ngôi đền được dựng lên. Đó là nhờ thông lệ "Shikinen Zotai" diễn ra 20 năm một lần. Vào dịp này, các tòa nhà trong đền được sửa chữa, vật dụng được thay mới và các nghi lễ được cử hành nghiêm ngặt theo truyền thống.
Trên đường lên đền, nếu muốn dừng lại nghỉ chân, bạn có thể ghé trà quán Kasuga Ninaijaya. Tên của nơi này có nghĩa là "trà quán mà bạn mang trên vai", ý chỉ một tập tục từ thời Edo khi những người bán trà dùng một chiếc đòn gỗ để gánh hộp trà và ấm trà phục vụ lữ khách hành hương lên đền. Món đặc sản của tiệm là cháo Manyo-kayu nấu với thảo mộc theo mùa, nước dùng từ tảo bẹ, tương miso trắng cùng rượu sake và muối dành riêng cho các vị thần của Kasuga.