Đề xuất Vùng Thủ đô mới: Liệu có khả thi?

Về các phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 có đề xuất phương án hình thành Vùng Thủ đô mới trên cơ sở mở rộng thêm một số tỉnh vào Vùng đồng bằng sông Hồng.

Đề xuất này đang nhận được được nhiều ý kiến phản hồi khác nhau. Một số chuyên gia cho rằng, đề xuất đó khó khả thi do còn nhiều điểm không tương đồng giữa các địa phương.

Đề xuất Vùng Thủ đô mới: Liệu có khả thi? - 1
Tuyến đường vành đai 3 trên cao Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Không có cơ sở để gọi tên "Vùng Thủ đô mới"

Theo phương án phân vùng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất lựa chọn thì Vùng Thủ đô mới sẽ gồm 15 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ưu điểm của phương án này là sẽ mở rộng không gian phát triển mới cho Vùng đồng bằng sông Hồng, tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc Vùng trung du và miền núi phía Bắc phát triển hơn, tính liên kết vùng cũng được đề cao hơn. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận được nhiều ý kiến chưa đồng thuận từ các chuyên gia và dư luận.

Tiến sỹ - Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, bản thân Vùng Thủ đô đã thể hiện vai trò của nó với các tỉnh lân cận. Thực tế, trước đó đã có 2 lần quyết định thành lập Vùng Thủ đô. Trong lần thứ 2, quy hoạch đã điều chỉnh từ 6 tỉnh thành 9 tỉnh, nhưng đến giờ vẫn chưa thực hiện được như định hướng phát triển quy hoạch đề ra.

"Trong định hướng phát triển của Hà Nội, chúng ta quyết tâm đẩy mạnh sự phát triển đồng bộ để thực hiện vai trò động lực phát triển của Vùng Thủ đô và Vùng đồng bằng sông Hồng. Tôi cho rằng có sự khác nhau giữa vai trò của Vùng Thủ đô và Vùng đồng bằng sông Hồng. Do đó, không nên gắn kết 2 phần này với nhau. Đổi Vùng đồng bằng sông Hồng thành Vùng Thủ đô mới sẽ không hợp lý với suy nghĩ của người dân và giới chuyên gia”, ông Nghiêm khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhìn nhận, dự thảo phân Vùng Thủ đô lần này có tới 15 tỉnh; trong đó, xếp tỉnh Quảng Ninh có vùng giáp biên Trung Quốc và cả vùng nông nghiệp rộng lớn thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với những đặc điểm địa lý, kinh tế khác biệt và cách khá xa Hà Nội vào Vùng Thủ đô sẽ không phù hợp. Vì thế, không có cơ sở để gọi tên là Vùng Thủ đô mới mà chỉ có thể gọi đó là Vùng đồng bằng sông Hồng.

Bày tỏ ý kiến về đề xuất trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tiến sỹ Bùi Đức Hưng, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Xây dựng đề nghị cần phân biệt Vùng Thủ đô với Vùng đồng bằng Bắc Bộ, Vùng miền núi trung du Bắc Bộ về địa lý kinh tế và địa lý chính trị. Vùng Thủ đô có thể là đầu tàu cho toàn bộ các vùng kinh tế phía Bắc nhưng không thể đồng nhất về không gian với vùng kinh tế phía Bắc. Với diện tích, quy mô vùng quá lớn thì việc tổ chức, quản lý, điều hành thực hiện phát triển kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô mới (nếu có) là vấn đề không khả thi. Không kể, về mặt tổ chức hành chính nhà nước hiện hành, nước ta không có cấp hành chính vùng hoặc có Ban Chỉ đạo hay một tổ chức có đủ năng lực, uy tín, thẩm quyền điều hành sự phát triển kinh tế của một vùng lớn.

"Do đó, việc đề xuất mở rộng Vùng Thủ đô mới, về mặt khoa học, chưa có đủ luận cứ phương pháp luận; về mặt thực tiễn là không khả thi; về mặt kinh tế, quá trình lập lại quy hoạch sẽ mất nhiếu thời gian, tốn kém tiền của, hao phí nguồn lực, níu kéo và kìm hãm sự phát triển đang trong guồng quay, tổn thất xã hội là không tính được", Tiến sỹ Bùi Đức Hưng thẳng thắn nêu quan điểm.

Cũng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc phân vùng cần căn cứ trên các yêu cầu, đặc điểm của từng vùng, có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, lịch sử, dân cư, kết cấu hạ tầng; có mối quan hệ tương tác tạo nên sự liên kết bền vững với nhau. Tuy nhiên, tại phương án đề xuất hình thành Vùng Thủ đô mới, giữa các tỉnh còn có những điểm chưa tương đồng về mặt địa lý, điều kiện phát triển…

Khắc phục hạn chế của quy hoạch vùng hiện tại

Đánh giá sau 3 năm thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội hiện nay với việc mở rộng phạm vi lên 10 tỉnh, thành phố, các chuyên gia nhìn nhận, dù đã có nhiều nỗ lực và đạt một số kết quả nhưng việc điều phối cũng như liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng Thủ đô để tạo ra một vùng phát triển mạnh chưa được thể hiện, vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Thực tế, thời gian qua, đã có một số hoạt động mang tính kết nối, phối hợp giữa các tỉnh trong vùng song chủ yếu mang tính tự phát, hình thức. Các liên kết kinh tế chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động một cách hợp lý dựa vào tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương mà chủ yếu là liên kết giữa một số doanh nghiệp, địa phương có chung ranh giới thực hiện cùng đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... với quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững.

Các địa phương hoạt động chưa gắn với liên kết vùng, còn mang tính chất địa phương hóa, chỉ chú trọng đến tăng trưởng kinh tế của địa phương mà chưa thể hiện được trách nhiệm đối với phát triển vùng. Chính vì điều này đã tác động đến quản lý dân số của Hà Nội, tăng vượt mức quy định. Đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng chưa có kế hoạch thực hiện đồng bộ, kể cả đường bộ, đường thủy, đường sắt. Nhiều tuyến đường chính liên kết vùng chưa phát huy được hết hiệu quả, mới chỉ tạo thuận lợi cho điểm đầu, điểm cuối.

Vùng Thủ đô đã được Chính phủ xác định là vùng tiêu biểu, có sức cạnh tranh rất lớn cho cả quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do vậy, việc hợp tác giữa các tỉnh, thành phố phải có sự đồng bộ, thống nhất trong đường lối phát triển kinh tế đất nước, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, ngắn hạn với các chính sách kinh tế vĩ mô. Ngoài sự chủ động của các tỉnh, thành phố, rất cần một cơ chế quản lý, điều hành mối quan hệ trong vùng, thậm chí có ý kiến đề nghị cần luật hóa Vùng Hà Nội một cách cụ thể với tính chất ràng buộc trách nhiệm cao hơn.

Từ kinh nghiệm của các nước có kinh tế vùng, điển hình là nước Pháp thì Vùng Thủ đô, lấy Thủ đô làm trung tâm, là trục gắn kết các địa phương lân cận (có chung địa giới hành chính), có điều kiện địa lý tự nhiên tương đồng, có mối quan hệ dân cư gắn kết lịch sử, có tập quán sản xuất tương tự. Đây là nguồn cung ứng nhân lực, tài nguyên, hàng hóa cho Thủ đô, có thể thực hiện việc phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa, dựa theo thế mạnh của mỗi địa phương trong vùng.

Theo các chuyên gia, việc quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội là tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển; đồng thời, kích thích sự phát triển của các địa phương xung quanh. Trong vùng sẽ tạo nên một chùm, hệ thống đô thị vừa là để giãn dân đô thị ở lõi (khu vực trung tâm là Hà Nội), vừa tạo điều kiện kích thích phát triển cho các đô thị vệ tinh, các đô thị trong vùng, để các địa phương này cùng chia sẻ, gánh vác nhiệm vụ phát triển của vùng ở các lĩnh vực công nghiệp, văn hóa, thể thao, đào tạo, y tế…

Do vậy, bán kính giữa Thủ đô và các địa phương trong vùng chỉ nên ở khoảng từ 50 - 70 km, để người dân thuận tiện đi vào Hà Nội làm việc, đồng thời tạo nên những khu vực phát triển năng động sát cạnh Thủ đô. Thay vì một vùng rộng lớn gồm 15 tỉnh như đề xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên chú trọng tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện quy hoạch Vùng Thủ đô hiện tại là đúng đắn, phù hợp và thiết thực nhất.

Theo: Minh Nghĩa

TTXVN