Đề xuất nới thời gian sở hữu BĐS cho người nước ngoài, hút giới siêu giàu
(Dân trí) - Chuyên gia Lương Hoài Nam đặt vấn đề, một số quốc gia quy định sở hữu bất động sản lên tới 99 năm để thu hút đầu tư vậy tại sao Việt Nam không tăng thời gian sở hữu để thu hút nhà đầu tư nước ngoài?
Làm sao để hút giới siêu giàu?
Tại hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam" diễn ra hôm nay (16/11), chuyên gia bàn luận sôi nổi về những nút thắt trong lĩnh vực này cũng như hướng gỡ.
TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng, lĩnh vực bất động sản du lịch đang gặp rất nhiều vấn đề. Không chỉ bất động sản du lịch, lĩnh vực du lịch cũng đang đối mặt với cả "núi" vấn đề.
Ông Nam kể, cách đây vài năm, ông có tham gia vào việc góp ý sửa đổi chính sách đối với condotel. Tuy nhiên, Việt Nam không dùng từ tiếng Anh nên gọi nó là sản phẩm của dịch vụ lưu trú.
Đến năm 2019, ông Nam cho biết cũng đã có một số kiến nghị nhưng vấn đề về định danh cho sản phẩm này vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, cuộc sống vẫn đang diễn ra, hàng tỷ USD vẫn được đổ về thị trường condotel nhưng hành lang pháp lý vẫn chưa rõ ràng.
"Tôi nhận thấy các tranh luận mất nhiều thời gian khiến chúng ta mất các cơ hội phát triển. Tôi cho rằng sau hội thảo này, các vấn đề sẽ được tháo gỡ một cách tích cực và hiệu quả hơn", ông Nam nói.
Vị này cũng cho biết luôn canh cánh với một số câu hỏi là sao một năm người Việt Nam có thể chi rất nhiều tiền để mang ra nước ngoài mua bất động sản? Tại sao các quốc gia đều khuyến khích thu hút mua bất động sản của nước họ còn người nước ngoài lại mua bất động sản ở Việt Nam lại khó?
"Tại sao họ vào Việt Nam xây biệt thự, du lịch, đem dòng khách vào Việt Nam mà chúng ta không khuyến khích? Tôi cho rằng cần có sự cân bằng lại giữa đưa dòng tiền Việt Nam ra nước ngoài và hút dòng tiền vào bất động sản Việt Nam", ông Nam nói.
Cũng theo vị này, một số quốc gia quy định sở hữu bất động sản lên tới 99 năm để thu hút đầu tư nhưng tại sao chúng ta cũng không tăng thời gian sở hữu để thu hút nhà đầu tư nước ngoài? Việt Nam cần có tầm nhìn du lịch biển, trọng điểm của châu Á, hướng đến giới siêu giàu. Với tầm nhìn này, thông qua các doanh nghiệp bất động sản để phát triển các sản phẩm lưu trú xứng tầm.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng, sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây có những kết quả bùng nổ và hiện nay phát triển nhất là lĩnh vực bất động sản, phát triển du lịch có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế.
"Việt Nam có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về du lịch rất lớn. Hiện nay, trên thế giới, so về tiềm năng phát triển du lịch, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển lớn nhất", ông Lộc nhận định.
Để tối ưu những điểm mạnh và giá trị đó, ông Lộc cho rằng, cần có những chính sách, pháp lý phù hợp để tạo đà cho sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch.
Theo ông Lộc, Bộ Xây dựng nên đứng ra tổ chức đề án để phát triển bất động sản du lịch, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tập hợp những kiến nghị, đưa ra đề án phát triển dưới sự chủ trì của Bộ Xây dựng thì cơ quan Nhà nước sẵn sàng tiếp thu.
Có mặt tại hội thảo, ông Trần Văn Tiến, Trưởng phòng đăng ký Đất đai, Cục Đăng ký đất đai (Bộ Tài Nguyên và Môi trường), cho biết sẽ lắng nghe những vướng mắc, rào cản trong quá trình phát triển bất động sản du lịch, từ đó tiếp thu và sẽ phối hợp với các đơn vị, bộ ngành liên quan để chỉnh sửa cho phù hợp.
Doanh nghiệp bất động sản du lịch chi tiền tấn, thu lại chỉ tiền hào
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch, cho biết, bất động sản du lịch của Việt Nam trong vài năm trở lại đây phát triển rất nhanh với nhiều loại hình mới. Về cơ bản, chúng ta có 7 loại hình bất động sản du lịch từ lâu nhưng thời gian gần đây lại nóng do vấn đề sở hữu.
Bà Bình lấy ví dụ điển hình như vấn đề mua bán khách sạn. Do nhiều nhà đầu tư quan tâm đến du lịch, nhiều người có thể mua chung một bất động sản. Như vậy từ một chủ đầu tư thì bây giờ đã có 100 chủ đầu tư sở hữu chung một mô hình bất động sản du lịch, từ đó đặt ra vấn đề quyền sở hữu của chủ đầu tư trong vấn đề bất động sản du lịch.
Bản chất, khi sở hữu chung các mô hình bất động sản du lịch, lợi thế sẽ được chia sẻ, rủi ro sẽ được chia đều. Như vậy, rõ ràng điều này cũng đem đến những mặt lợi và mặt hại nhất định, bà Bình nói.
Theo vị này, hiện nay, ngành du lịch thu hút du khách quốc tế đang bắt đầu được khởi sắc trong tháng 11 với 5 điểm đến quốc tế: Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Nhà nước đang tính toán đến việc mở đến đâu phải an toàn đến đấy. Với du lịch nội địa cũng đã có những chính sách kích cầu ở những vùng xanh, vùng vàng và cả vùng cam.
"Việt Nam đang được khu vực đánh giá cao về phát triển du lịch. Những năm vừa qua những giải thưởng lớn nhất của thế giới đều dành cho Việt Nam. Vì vậy, chúng ta thực sự cần quan tâm đến lĩnh vực này, nên có những ưu đãi cụ thể", bà Bình nêu quan điểm.
Theo bà này, hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản du lịch đang là tiền tấn, tiền tỷ nhưng thu lại chỉ tiền hào. Chỗ nào nhanh nhất cũng phải 10 - 20 năm mới thu hồi lại vốn nên lãi thu của du lịch đang rất thấp. Vì vậy, chúng ta cần có những chính sách giảm chi phí đầu vào, chính sách thuế... mới thu hút nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Ngoài ra, cần xác định về quyền sở hữu của bất động sản du lịch để có sự rõ ràng cho nhà đầu tư khi có quan tâm.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ và BĐS du lịch cũng là một trong những ngành đóng góp tỷ lệ lớn cho GDP. Tuy nhiên, khung pháp lý của Việt Nam liên quan đến BĐS du lịch vẫn chưa thống nhất và phù hợp với thị trường này. Những chính sách phát triển du lịch của Việt Nam cho thấy Việt Nam vẫn chưa được hưởng những ưu đãi so với các ngành kinh tế mũi nhọn khác và chưa có chính sách ưu đãi đặc thù.
"Do các quy định chưa cụ thể, rõ ràng nên tại nhiều địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước rất lúng túng trong việc quản lý bất động sản du lịch và hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản du lịch. Sự phát triển bất động sản với mô hình "ngôi nhà thứ hai" đang phát triển khá mạnh ở các quốc gia châu Âu nhưng ở Việt Nam chưa có quy định…", ông Tuấn cho hay.