Đề xuất bỏ 2% phí bảo trì chung cư: Khó khả thi

Lời giải cho việc này chính là bài toán thực tế trong quản lý sử dụng quỹ làm sao để hiệu quả và có lợi cho cư dân và tòa nhà.

Đề xuất bỏ 2% phí bảo trì chung cư: Khó khả thi - 1..jpg

Người dân ở các dự án chung cư phản đối mạnh với đề xuất bỏ quỹ bảo trì (Ảnh minh họa)

Liên quan tới đề xuất không nộp 2% phí bảo trì chung cư ngay từ đầu của đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp thừa nhận thực tế có tình trạng quỹ bảo trì chung cư bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích, thậm chí khi cần không được đáp ứng khiến cư dân rất bức xúc.

Ông Sơn cho biết, về nguyên tắc, quy định đóng 2% phí bảo trì ngay từ đầu là muốn có sẵn tiền, khi phát sinh có thể chủ động thực hiện sửa chữa ngay, không để bị động, kéo dài thời gian, gây nguy hiểm cho cư dân và tòa nhà.

Tuy nhiên, thời gian qua có hiện tượng quỹ bảo trì đã bị lạm dụng, chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì sử dụng vào mục đích đầu tư, mở rộng dự án khác, khi cần tới tiền thì chủ đầu tư không còn tiền để chi trả sửa chữa khiến cư dân bức xúc.

Không những có tình trạng chủ đầu tư lạm dụng quỹ bảo trì mà ngay cả Ban quản trị tòa nhà khi được bàn giao quản lý quỹ cũng có hiện tượng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân.

Chính vì xuất phát từ thực tế trên nên có đề xuất không đóng phí bảo trì 2% ngay từ đầu mà thu về sau cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, ông Sơn cũng lo ngại, nếu không đóng phí từ đầu mà để thu sau này, khi có những phát sinh vấn đề cần phải có chi phí bảo trì, sửa chữa mới yêu cầu cư dân nộp vào sẽ khó khả thi.

Tiền ở trong túi dân muốn lấy ra cũng không dễ dàng gì, nhất là với những hộ dân có điều kiện khó khăn, không có nhiều tích lũy, thậm chí đang phải mua nhà trả góp thì việc thu tiền là rất khó.

Do đó, ông Sơn cho rằng, việc thu quỹ bảo trì ngay từ đầu tạo thành một khoản cố định là giải pháp khả thi hơn cả.

Vấn đề chỉ là quản lý quỹ bảo trì đó như thế nào? Cụ thể với trường hợp chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị thì cần phải có quy định chế tài xử lý cụ thể ra sao để buộc chủ đầu tư phải bàn giao lại quỹ khi cần thiết.

"Có thể áp dụng chế tài xử phạt thật nặng, khi phải cân nhắc lợi - hại giữa việc phải chịu số tiền phạt vi phạm với việc bàn giao quỹ bên nào tốt hơn chủ đầu tư sẽ phải thực hiện", TS Lê Hồng Sơn nói.

Bên cạnh đó, đối với Ban quản trị chung cư, ông Sơn cũng yêu cầu phải có quy chuẩn, quy định công khai trong việc chi tiêu, sử dụng tiền quỹ, đặc biệt phải có sự giám sát chặt chẽ của cư dân, không để tình trạng sử dụng quỹ một cách tùy tiện, chi tiêu bao nhiêu cũng được, tiêu thế nào cũng xong.

"Lời giải cho việc này chính là bài toán thực tế trong quản lý sử dụng quỹ làm sao để hiệu quả và có lợi cho cư dân và tòa nhà.

Muốn làm được như vậy thì giữa ban quản trị và cư dân trong tòa nhà phải có sự thống nhất, mọi quyết định chi tiêu phải có sự giám sát của cư dân, dân đồng ý mới được chi. 

Hiện nay mối quan hệ giữa ban quản trị với cư dân trong nhiều tòa nhà còn nhiều vấn đề, thiếu liên lạc, quy chế tự quản của chung cư thiếu chặt chẽ, đặc biệt cơ chế quản lý chi tiền và cơ chế quản lý quỹ nhằm hạn chế những vi phạm mới ở mức độ nhất định, dân vẫn còn bị qua mặt nhiều.

Về nguyên tắc, khi ban quản lý chi một đồng cũng phải thông báo cho dân, để dân giám sát nhưng cũng có hiện tượng cái gì cũng chi sẽ gây hạn chế, ách tắc, cản trở việc sửa chữa... vì thế, mọi quy định phải rất cụ thể, chi tiết thì mới được", ông Sơn phân tích.

Theo: Thái Bình

Đất Việt 

banner_chan-bai.gif

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm