Đầu tư vào đâu khi lạm phát vẫn khó lường?
(Dân trí) - Lạm phát cuối năm 2022 và trong năm 2023 dự báo vẫn diễn biến khó lường. Do đó, nhà đầu tư cần chọn lựa kênh rót tiền an toàn và hiệu quả để vừa bảo vệ túi tiền, vừa giúp sinh sôi lợi nhuận.
2022 -2023: Lạm phát sẽ còn gây nhiều áp lực
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, bình quân 8 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận mức tăng 2,58% so với cùng kỳ năm 2021, khiến mức lạm phát cơ bản tăng 1,64%.
Nhờ các nỗ lực kiềm chế của nhà điều hành, lạm phát tại Việt Nam đang được kiểm soát tương đối tốt. Dù vậy, trước những tác động từ phía bên ngoài, giới chuyên gia nhìn nhận chỉ số lạm phát từ giờ tới cuối năm sẽ còn diễn biến khó lường.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Học viện Tài chính, giá cả nhiên liệu, nhất là xăng dầu thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao do nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy sẽ tiếp tục làm cho giá vật tư, hàng hóa nhập khẩu tăng cao. Việt Nam vẫn còn phải với đối mặt nguy cơ lạm phát chi phí đẩy do nền kinh tế có độ mở lớn, tỷ lệ nhập khẩu lớn.
Cuối tháng 6, Ngân hàng UOB (Singapore) công bố Báo cáo tăng trưởng kinh tế và dự báo quý kế tiếp với Việt Nam cho thấy tăng trưởng GDP năm 2022 dự báo ở mức 6,5% và tỷ lệ lạm phát chính ở mức 3,7% vào năm 2022. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo lạm phát có thể tăng lên 5% trong năm 2023, do phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.
Phân hóa trong các kênh đầu tư
Theo ông Bùi Minh Long, Trưởng phòng Danh mục đầu tư quỹ DCDS - Dragon Capital Việt Nam, trong bối cảnh lạm phát dù đang được kiểm soát nhưng vẫn có những diễn biến khó lường, các kênh đầu tư tiếp tục cho thấy sự phân hóa.
Vị này cho hay, vàng là kênh đầu tư tạm ổn trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì không nên vì kim loại quý này chỉ tăng giá mạnh khi thị trường có biến động. Gửi tiết kiệm tuy an toàn nhưng kém hấp dẫn do mặt bằng lãi suất thấp. Những ai muốn có kênh đầu tư an toàn và hiệu quả thì thay vì gửi tiết kiệm có thể chuyển một phần sang đầu tư trái phiếu hoặc các quỹ trái phiếu.
Đối với kênh trú ẩn truyền thống là bất động sản, ông Long cho rằng giá bất động sản tăng trong dài hạn do sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa. Ở những nước đang phát triển như Việt Nam, tiềm năng tăng giá bất động sản còn nhiều do nhu cầu nhà ở đặc biệt lớn cũng như tâm lý an cư lạc nghiệp đã in sâu vào tâm thức của người dân.
Theo dữ liệu của batdongsan.com.vn, so với cùng kỳ năm 2021, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đã tăng 12% ở phân khúc cao cấp, 7% ở phân khúc chung cấp và tới 14% ở phân khúc bình dân trong quý II/2022. Thị trường TPHCM cũng thiết lập mặt bằng giá mới khi mức tăng ở từng phân khúc lần lượt là 5%, 4% và 7%.
Phân khúc nhà cho thuê cũng cho tín hiệu phục hồi sau đại dịch. Đơn cử, tại TPHCM, theo khảo sát tháng 9/2022, tỷ lệ lấp đầy của căn hộ dịch vụ hiện đã tăng gấp đôi so mức 30-40% của năm 2020 và tăng gấp 3-4 lần so với đợt cao điểm bùng dịch Covid-19 quý II/2021. Cùng lúc, giá thuê phân khúc căn hộ dịch vụ hạng A (cao cấp) cũng tăng 6-8% so với quý II/2021, theo Savills Việt Nam.
Theo dự báo, đà phục hồi của thị trường căn hộ dịch vụ có thể tiếp tục xu hướng tích cực trong mùa cao điểm du lịch, lễ hội cuối năm 2022 và theo xu hướng hồi phục kinh tế tích cực trên cả nước, đặc biệt là tại 2 đầu tàu tăng trưởng là Hà Nội và TPHCM.
"Thu nhập từ cho thuê giúp nhà đầu tư trả các khoản vay theo tháng nếu sử dụng đòn bẩy tài chính. Không chỉ vậy, nhà đầu tư có thể thế chấp bất động sản này để có vốn mua một tài sản khác nên khả năng sinh lời đa dạng", ông Hoàng Tùng, một nhà đầu tư thâm niên 10 năm, chia sẻ.