Đất vàng "lao đao" vì dịch

Những tưởng hoạt động bán lẻ, dịch vụ nhen nhóm phục hồi khi dịch bệnh được kiểm soát, nay dịch Covid-19 bùng phát lần 4 "đảo chiều" kế hoạch của giới kinh doanh, buộc họ tiếp tục "thanh lọc" mặt bằng.

Đất vàng phố cổ, trung tâm thương mại Thủ đô lay lắt chờ khách thuê.

Đất vàng lao đao vì dịch - 1

Đất vàng phố cổ, trung tâm thương mại Thủ đô lay lắt chờ khách thuê. (Ảnh: TTXVN)

Phố đi bộ dừng tổ chức, hàng ăn của anh Bình trên phố Đinh Lễ lập tức giảm doanh thu, vắng chưa từng có kể từ sau Tết Nguyên đán. Tuần qua, quán thường xuyên đông nhân viên hơn khách. "Tôi cũng lường trước điều này, nhưng không ngờ nó diễn ra nhanh tới vậy. Hai cơ sở trên phố Quang Trung, Lương Văn Can đã đóng cửa trong năm 2020, đây là địa điểm cuối cùng còn hoạt động", anh Bình cho biết.

Lo tiền nhà từng bữa

Lo sợ cửa hàng đi vào vết xe đổ trước đó, anh Bình tích cực truyền thông qua mạng xã hội, bán thêm trên các ứng dụng giao nhận đồ ăn. Tuy nhiên, anh Bình cho rằng: "Đây là giải pháp tình thế, địa điểm ngay Hồ Gươm nếu chỉ bán trực tuyến thì không trụ được. Tháng tới, tôi phải đóng tiền nhà nửa năm hàng trăm triệu đồng".

Chị Nguyễn Hường, chủ hàng bún (Lạc Trung, Hà Nội) cho biết, vừa đóng tiền nhà quý 2 được 1 tháng thì dịch bùng phát. Quán phải cất bớt bàn ghế, dựng vách ngăn nên chỗ ngồi hạn chế, khách e ngại. "Ngày thường tôi bán được 20 con ngan, mấy hôm nay còn chưa tới một nửa. Dịch bùng phát, tiền nhà gối đầu, không bán được hàng lấy gì đóng quý 3 tới", chị Hường lo lắng.

Anh Hoàng Tùng, chủ thương hiệu Pizza Home cho biết, dù đã có 3 đợt "diễn tập" với dịch bệnh nhưng lần này, anh vẫn rất lo khi năm qua phải đóng cửa nhiều cơ sở. Với tiền mặt bằng ngốn tới 40% chi phí doanh nghiệp, anh Tùng mạnh tay cắt bỏ những điểm bán kém hiệu quả. "Trước kia giữ mặt bằng, chuỗi lớn nhiều khi vì sĩ diện, nhưng tới dịch bệnh thì tôi chọn chất lượng thay vì quy mô", anh Tùng cho hay.

Cũng trong khó khăn, anh Tùng nảy ra ý tưởng kinh doanh chia sẻ mặt bằng với các nhà hàng, quán ăn. Theo đó, mô hình thuê chung bếp, mỗi đơn vị 5-8m2, dùng chung các tiện ích giao nhận, bảo quản, … đã đi vào hoạt động 8 tháng, có khoảng 10 đối tác tham gia, giúp giảm gánh nặng cho người kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Xẻ mặt bằng tìm hướng cho thuê

Sau hơn 1 năm dịch bệnh xảy ra, tại khu vực trung tâm, phố cổ sầm uất bậc nhất Thủ đô, đầy rẫy mặt bằng bỏ trống, chờ khách thuê. Tại các phố Hàng Đường, Hàng Lược, Hàng Rươi, 40-50% cửa hàng đóng cửa, đang rao cho thuê. Chủ nhà giảm giá, chia nhỏ mặt bằng nhưng có hộ 2 năm không cho thuê được nhà. Ông Hiệp (cho thuê nhà phố Hàng Đào) cho biết, căn nhà 100m2 của ông đang chia nhỏ để tìm khách thuê, phần mặt tiền 1,6m, rộng 30m2 rao 4 tháng chưa tìm được chủ mới. Trong lúc nhà bỏ không, một số mặt tiền phố cổ được trưng dụng bán trà đá, tạp phẩm. 

Đặc biệt, mặt bằng lớn, giá thuê hàng trăm triệu đồng/tháng càng khó tìm khách, ngay cả "cò" lâu năm cũng "bó tay". Một môi giới tên V. cho biết đang nắm trong tay hàng chục nhà mặt phố cổ cần bán, cho thuê, trong đó có cả khách sạn rao giá hơn 200 tỷ đồng. "Lương Ngọc Quyến, Bảo Khánh, Hàng Bồ, … đều có khách sạn cần bán. Một số người thuê thì mong sang nhượng 0 đồng để lấy cọc", anh V. cho hay.

Chị P.H (nguyên quản lý một chuỗi khách sạn phố cổ) cho biết, đến cuối năm 2020, hệ thống 9 khách sạn do chị quản lý đã đóng cửa toàn bộ vì dịch bệnh. Trước đó, khách sạn từng phải cho nhân viên đi làm luân phiên, hưởng lương 4 triệu đồng/ tháng bất kể cấp bậc, bán trà đá ở sảnh. Nay, chị H. không còn làm trong lĩnh vực này, nhiều nhân viên khách sạn, lữ hành cũng bỏ nghề vì không biết khi nào ngành mới khôi phục.

Bên cạnh đó, biển "cho thuê mặt bằng" còn xuất hiện nhan nhản phố nhỏ, trung tâm thương mại. Tháo chạy khỏi trung tâm đắt đỏ, một số người kinh doanh chuyển hướng tìm mặt bằng trong ngõ, phố nhỏ, không thuê tầng 1 để tiết kiệm chi phí. Trong đó, xu hướng này đáng chú ý ở các ngành làm đẹp, thời trang, tóc, móng tay. Một số trung tâm thương mại nhỏ ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy cũng chịu cảnh nhãn hàng lũ lượt rời đi.

Theo ghi nhận của đơn vị nghiên cứu thị trường Savills, mặt bằng nhà phố còn đối mặt với thách thức lớn, khi số lượng chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, tuy nhiên, tốc độ lấp đầy còn chậm. Với phân khúc khách sạn tại Hà Nội, công suất thị trường quý 1/2021 chỉ đạt 24%. Các khách sạn tiếp tục gặp khó vì dịch bệnh, hai khách sạn 3 sao với khoảng 130 phòng đã đóng cửa trong quý đầu năm.

Từ năm 2020 đến nay, thương hiệu sữa đậu nành Soya Garden đóng cửa 42/50 cửa hàng. Soya Garden nay đã biến mất hoàn toàn khỏi thị trường TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… Trước đó, thương hiệu này chiếm mặt bằng "khủng" tại ngã sáu Phù Đổng, Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM), đặt chiến lược xuất hiện tại các vị trí đắc địa.

Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Quốc tế Mặt Trời Đỏ (Red Sun) sở hữu hơn 200 nhà hàng lẩu nướng, bia tươi thừa nhận, dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng "hết sức căng thẳng về dòng tiền", doanh thu từ hệ thống sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều cửa hàng của công ty đặt tại Đinh Tiên Hoàng, Bùi Thị Xuân, trung tâm thương mại IPH, Sun Plaza, Sun Ancora (Hà Nội), … đã đóng cửa trong năm 2020.