Đất nền bắt đầu "ngấm đòn" Covid: Giá bán hạ nhiệt, xuất hiện cắt lỗ
(Dân trí) - Nhiều nhận định phân khúc đất nền không chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên số liệu từ một số báo cáo của các tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy một diễn biến khác.
Giao dịch sụt giảm
Dịch Covid-19 đã tác động lớn đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ở mỗi phân khúc thì mức độ tác động sẽ khác nhau.
Nhiều ý kiến từng cho rằng, phân khúc đất nền không chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên số liệu từ một số báo cáo của các tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy không hẳn như vậy.
Lãnh đạo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trước Tết Nguyên đán, đất nền vẫn là dòng sản phẩm dành được nhiều sự quan tâm từ khách hàng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ tuy nhiên do tình hình dịch bệnh nên giao dịch diễn ra rất hạn chế trong quý 1/2020.
Dự báo về quý 2/2020, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường nhà đất và đất nền sẽ vẫn là sản phẩm chủ đạo tại nhiều tỉnh, thành ngoài Hà Nội và TP.HCM.
"Tuy nhiên giao dịch chắc chắn sẽ giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước", lãnh đạo Hội môi giới Bất động sản dự báo.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, tình trạng bán tháo, bán cắt lỗ đất nền diễn ra mạnh tại các thị trường tỉnh miền Nam như Long An, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận, Kiên Giang...
Số liệu vừa công bố của DKRA Vietnam cũng cho thấy, phân khúc đất nền chịu ảnh hưởng rất lớn từ tác động của Covid-19. Trong đó, thị trường đất nền TP.HCM ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục cả nguồn cung mới và sức cầu so với năm trước.
Cụ thể, trong quý 1, nguồn cung tại thị trường sụt giảm tới 74% so với quý trước và 32% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ cũng giảm mạnh ở mức 77% so với quý trước và giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện DKRA cho biết, mặc dù khan hiếm nguồn cung mới trong quý 1 nhưng toàn thị trường, bao gồm các dự án mở bán trước đó, không có nhiều tích cực. Cùng với lượng tiêu thụ giảm mạnh, DKRA cũng cho biết cả giao dịch thứ cấp lẫn giá bán thứ cấp đều giảm.
Theo thu thập giá bán tại một số dự án, đại diện DKRA Việt Nam cho biết: Tại khu Đông, giá cao nhất vào khoảng 180 triệu đồng/m2, thấp nhất khoảng 30 triệu đồng/m2, còn tại khu Tây ghi nhận mức cao nhất là 70 triệu đồng/m2, thấp nhất là 20 triệu đồng/m2.
Tại khu Nam, cao nhất là 120 triệu đồng/m2, thấp nhất khoảng 28 triệu đồng/m2, ở khu Bắc cao nhất là 75 triệu đồng/m2, thấp nhất là 15 triệu đồng/m2.
Khu vực phía Đông TP. HCM dẫn đầu về nguồn cung mới lẫn tỷ lệ tiêu thụ. Các dự án mới đa phần tập trung ở khu vực vùng ven như quận 9, huyện Bình Chánh, Nhà Bè...
Trong khi đó, tại các tỉnh giáp ranh TP. HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, nguồn cung mới và nhu cầu mua đất nền cũng giảm đáng kể so với quý trước.
Giá bán sẽ lao dốc?
Theo lãnh đạo Hội môi giới Bất động sản, giá bán nhà đất và đất nền phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ phát triển đô thị cũng như số lượng nguồn cung tại từng địa phương.
Khu vực nào có sự đầu tư phát triển đô thị, kinh tế tốt, nguồn dự án chưa nhiều, giá đất trước đó được kiểm soát tốt sẽ tiếp tục giữ giá và có thể tăng chút ít vì những vùng như vậy vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngược lại, khu vực nào đang tồn nhiều hàng và tốc độ phát triển kinh tế, đô thị không tương xứng thì giá bán có thể giảm.
Còn theo nhìn nhận từ giới chuyên gia, giá nhà đất trên thị trường sơ cấp gần như không có biến động do không xuất hiện nguồn cung mới. Tuy nhiên ở thị trường thứ cấp, giá nhà đất được điều chỉnh dựa trên nhu cầu mua bán thực tế.
Vì vậy khi sức mua giảm nhiệt, giá bán sẽ hiệu chỉnh sụt giảm theo. Tuy quy mô và mức độ giảm chưa lớn nhưng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, nền kinh tế tiếp tục chịu ảnh hưởng sẽ gây tác động trực tiếp lên tài chính của người mua nhà.
"Nếu kịch bản tình hình dịch bệnh kéo dài hơn xảy ra, nhiều người sở hữu bất động sản trước áp lực tài chính sẽ buộc phải bán giá thấp hơn", một chuyên gia bất động sản bình luận.
Nguyễn Mạnh