1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Đại biểu nói việc "tự nhiên đất rơi vào tay tư nhân, bị thất thoát rẻ mạt"

Hà Phong

(Dân trí) - Thảo luận dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, các đại biểu Quốc hội nêu nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến về việc thoái vốn, "tự nhiên tổ chức có đất rơi vào tay tư nhân", "đất bị thất thoát rẻ mạt"...

Minh bạch thông tin về đất đai

Góp ý tại tổ về dự án Luật Đất đai sửa đổi sáng 9/6, đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TPHCM) cho rằng, lâu nay, vấn đề về quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất dựa nội dung phải bí mật, dẫn tới câu chuyện không minh bạch và tác động tới bị tác động tới quy hoạch đó.

Ông Đức chỉ rõ, một số nhà đầu tư bất động sản tiếp cận được các thông tin bí mật đó, thực hiện các chiến lược đầu cơ đất, đi mua đất của người dân giá rẻ. Và khi người dân tiếp cận thông tin quy hoạch mới "ngã ngửa" vì bán giá rẻ quá. Điều đó vô hình trung đã tạo ra các đối tượng kia hưởng lợi.

Do đó, đại biểu đề nghị, cần có quy định hướng dẫn chặt chẽ để ngăn chặn việc lợi dụng các quy định luật bảo vệ bí mật Nhà nước để thiếu minh bạch thông tin về đất đai, dẫn tới thiệt thòi cho người sử dụng đất.

Đại biểu nói việc tự nhiên đất rơi vào tay tư nhân, bị thất thoát rẻ mạt - 1

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TPHCM) (Ảnh: Hà Phong).

Vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất, ông Đức cho biết, thực tế có tình trạng, người quyền sử dụng đất, nhưng không có khả năng đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng có người có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng lại không có đất. Điều này dẫn tới việc người có tiền cho phép người có quyền sử dụng đất góp vốn vào và thành lập ra các doanh nghiệp dưới các hình thức liên doanh BT (chuyển nhượng - bàn giao) nhưng sau một thời gian lại thực hiện hoạt động thoái vốn.

"Từ hoạt động thoái vốn, từ người có đất chuyển sang người không có đất nhưng có tiền dưới dạng doanh nghiệp thoái vốn. Tiếp đó chuyển đổi mục đích sử dụng đất…, tự nhiên tổ chức có đất rơi vào tay tư nhân. Đất chúng ta bị thất thoát rất rẻ mạt", ông Đức nêu.

Để ngăn chặn điều này, ông Đức cho rằng, cần có quy định rất chặt chẽ giới hạn các đối tượng góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đồng thời, không để cho một bộ phận cán bộ hiện nay tiếp tay, dẫn tới sai phạm đất đai.

Về vấn đề thu hồi đất, đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM cho rằng, dự thảo đã quy định rất rõ về các loại thu hồi đất. Nhưng thực tế thời gian qua, thu hồi đất vì mục đích công cộng nhưng sau một thời gian chưa triển khai dự án lại có việc thay đổi mục đích sử dụng đất, dẫn tới việc chênh lệch địa tô rất lớn.

"Sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ công cộng sang trung tâm thương mại kết hợp dịch vụ, nhà thương mại được bán với giá rất cao. Trong khi đó, giá đền bù người dân có đất bị thu hồi vô cùng thấp", đây là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp đất đai và khiếu kiện kéo dài.

Về giải pháp, theo ông Đức, cần được "trói chặt" quy định về các hành vi bị cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Đơn cử như khi thu hồi đất với mục đích quốc phòng an ninh nhưng nghiêm cấm chuyển đổi sang các hình thức khác. Đồng thời, quy định rất rõ mục đích thu hồi đất, "khi thu hồi đất phải gắn với mục đích và nội dung". Kể cả phần quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tỉnh, quốc gia gắn với việc "quy hoạch gắn với mục đích" để chống quy hoạch treo.

Cần công cụ, phương thức nhất quán để tính giá đất

Cùng góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại tổ, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cũng nhấn mạnh trong Luật phải đưa ra công cụ, phương thức nhất quán để tính giá. Theo ông, có một mối liên hệ giữa khảo sát đánh giá các khu vực có giá đất phức tạp với bảng giá đất. Trong trường hợp có giá vượt trội hơn thì xử lý thế nào thì trong luật chưa có lời giải cho vấn đề này.

"Ví dụ tại một địa điểm khảo sát, đánh giá có giá trị đất cao hơn trong bảng giá đất thì phương án xử lý thế nào? Tôi nghĩ rằng cần phải có một công cụ, phương pháp cụ thể", ông Vân cho biết.

Theo quan điểm của đại biểu này, ở một địa điểm không xác định được giá đất tại sao không lấy giá bình quân trong 5 năm gần nhất để chia bình quân. Nếu những vùng không có nhiều quan hệ tương tác về mặt thương mại giao dịch như vùng sâu vùng xa thì chúng ta có thể lấy giá trị sản xuất hàng hóa như trồng ngô, trồng lúa... 5 năm gần nhất cộng lại chia ra, bên cạnh đó là tính toán thêm các yếu tố giao thông, thổ nhưỡng…

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) cho rằng dự thảo Luật Đất đai lần này không nêu được mục tiêu của Dự án luật. Theo ông Minh, khi dự luật không có mục tiêu sau này sẽ không thể giám sát đánh giá, đặc biệt sau này nếu có khác nhau về cách hiểu luật thì sẽ không thể diễn giải luật đúng được vì không có mục tiêu ban đầu.