Đà Nẵng: Khó xác định được người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua đất

(Dân trí) - Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng, việc phản ánh tình trạng người Trung Quốc “núp bóng” người Việt Nam mua đất ven biển, Sở không thể biết được do không có cá nhân người nước ngoài nào đứng tên mua đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mới đây, trong kiến nghị gửi lên Chính phủ, cử tri thành phố Đà Nẵng phản ánh hiện nay, ở các địa phương, vùng miền của đất nước đều có sự xuất hiện của người Trung Quốc, nhất là các dự án kinh tế, nhà máy đặt ở các vùng nhạy cảm về an ninh quốc gia, như: Bô xít ở Tây Nguyên, Formosa ở Hà Tĩnh... và khu vực dọc theo bờ biển của miền Trung.

Trả lời về nội dung này, Bộ Công an cho biết, có tình trạng doanh nghiệp, cá nhân người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua bán bất động sản tại các khu vực ven biển để chuyển mục đích sử dụng sang đất thương mại, dịch vụ hoặc thuê diện tích đất dọc ven biển, khu vực biên giới biển, biên giới đất liền; thâu tóm các vị trí đất đẹp, trung tâm.

Liên quan đến vấn đề người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua đất ven biển, Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng cho biết, theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành, cá nhân là người nước ngoài không được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở hoặc nhằm mục đích sản xuất kinh doanh. Do vậy, việc phản ánh tình trạng người Trung Quốc núp bóng người Việt Nam mua đất ven biển, Sở không thể biết được do không có cá nhân người nước ngoài nào đứng tên mua đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đà Nẵng: Khó xác định được người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua đất - 1

Tuyến đường ven biển Đà Nẵng

Cũng theo Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng, vấn đề “núp bóng” là không rõ ràng do người Việt Nam đứng tên trên giấy tờ pháp lý và không xác định được nguồn gốc số tiền họ đã chi trả cho việc nhận quyền sử dụng đất từ đâu.

Việc người nước ngoài không thể đứng tên nhận quyền sử dụng đất mà có thể thông qua vợ hoặc chồng là người Việt Nam đứng tên nhận quyền sử dụng đất và nếu có thì hồ sơ đều thể hiện công chứng, chứng thực là tài sản riêng và tiền chi trả cho việc mua nhà là tài sản riêng của vợ hoặc chồng là người Việt Nam. Trường hợp này phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng thông tin, trước đây, theo phản ánh tại dự án Dọc tường rào Sân bay Nước Mặn thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn (tổng số lô theo quy hoạch 246 lô) đã được chuyển nhượng và lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân với tổng số 241 lô đất.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát.

Qua rà soát, các lô đất có liên quan đến yếu tố người nước ngoài (Doanh nghiệp trong nước có phần vốn góp của người nước ngoài dưới 50% tỷ lệ vốn góp trước và sau thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất) là 54 trường hợp.

Ngoài ra, tính đến tháng 4 năm 2019 có tổng cộng 15 trường hợp là cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại gồm: Chung cư căn hộ Ocean Apartments có 3 trường hợp, Chung cư căn hộ cao cấp AZURA có 9 trường hợp), Chung cư cao cấp Bàu Thạc Gián có 1 trường hợp, Tòa nhà Indochina Riverside có 1 trường hợp và Tòa nhà Indochina Riverside có 1 trường hợp)

Trong 15 trường hợp sở hữu căn hộ chung cư nêu trên, chỉ có 1 người Hồng Kông, không có người có quốc tịch từ Trung Quốc.

4 năm trước, trong buổi họp báo thông tin công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ 21 Đảng bộ TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 – 2020, ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho biết, có tình trạng người Trung Quốc “núp bóng” người Việt mua đất ven biển nhưng không quá nhiều đến mức không kiểm soát được. Và Đà Nẵng có chủ trương kiểm soát chứ không buông lỏng tình trạng này.

Khánh Hồng