Cử tri lo sốt đất ảo, bắt tay ngầm ở cuộc đấu giá đất gây nhiễu loạn

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Một trong các lo ngại lớn của cử tri được Ban Dân nguyện tổng hợp, phục vụ kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV là tình trạng sốt đất ảo, thông thầu.

Cử tri lo sốt đất ảo, bắt tay ngầm ở cuộc đấu giá đất gây nhiễu loạn - 1

Cử tri lo lắng về tình trạng sốt đất ảo, thông thầu, bắt tay ngầm trong các cuộc đấu giá đất, gây nhiễu loạn thị trường (Ảnh: Hữu Khoa).

Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân phục vụ kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đang diễn ra từ ngày 4/1 đến 11/1.

Theo báo cáo, cử tri lo lắng về tình trạng sốt đất ảo, thông thầu, bắt tay ngầm trong các cuộc đấu giá đất, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi, đặc biệt những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trong các giao dịch bất động sản trên địa bàn cả nước.

Bên cạnh đó, cử tri còn phản ánh tình trạng các dự án treo, quy hoạch treo, kéo dài thời gian triển khai dự án gây ra lãng phí lớn nguồn lực của nhà nước và xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân.

Ngoài ra, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp, khó lường nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần cũng khiến cử tri lo ngại. Các đối tượng thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, nổi lên là hoạt động vận chuyển trái phép tiền tệ, vàng qua biên giới, vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý ngoại hối, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trong phần kiến nghị, cử tri đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra không để xảy tình trạng quy hoạch treo, sốt đất ảo, thông thầu trong các cuộc đấu giá đất.

Đồng thời ngăn chặn tình trạng buôn bán ma túy, buôn lậu, buôn bán hàng giả và tội phạm trên không gian mạng sử dụng công nghệ cao, hoạt động của các băng nhóm tội phạm, bảo đảm an ninh, an toàn trong khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Cử tri cũng kiến nghị việc đảm bảo việc xả lũ của các nhà máy thủy điện phải được thông tin kịp thời, có sự phối hợp nhịp nhàng để các địa phương và người dân ở vùng hạ du các hồ chứa chủ động ứng phó.

Liên quan đến nỗi lo sốt đất ảo, tại phiên thảo luận tổ hôm 4/1, nhiều đại biểu cũng lo ngại tình trạng nóng sốt của thị trường bất động sản. Một số đại biểu lo ngại sẽ có tình trạng lạm dụng gói hỗ trợ của Nhà nước, không tập trung vào việc khôi phục sản xuất, kinh doanh mà lấy số tiền đó để đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản.

Theo đó các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn đối tượng, mục đích sử dụng các gói hỗ trợ, kiểm soát để tiền chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Đề cập đến mức đấu giá lên tới hơn 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng "chưa bao giờ có chuyện này". Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định mức giá này là "bất thường", thậm chí là điển hình làm nhiễu loạn thị trường.

Chia sẻ thêm về hiện tượng đấu giá đất Thủ Thiêm bên hành lang Quốc hội, ông Phớc cho hay, giá đất trung bình tại đường Nguyễn Huệ, nơi được ví là "trái tim" của TPHCM có giá khoảng 1,5 tỷ đồng/m2.

Trong khi đó, Thủ Thiêm là khu vực mà hạ tầng mới, đang còn xây dựng, hoang vắng thì mức đấu giá lên tới 2,4 tỷ đồng/m2. Mức giá này là theo Bộ trưởng Tài chính là không phù hợp, không thực khi giao dịch đột biến tăng gấp vài lần.

"Cần xem các nhà đầu tư có thực hiện đúng theo cam kết trúng giá hay không, hay bỏ cọc. Bộ Tài chính chỉ kiểm tra những doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán, còn quản lý nhà nước về đất đai là Bộ Tài nguyên môi trường, kể cả vấn đề giá đất. Nhưng chưa thể công khai được", ông Phớc nhấn mạnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm