Côn trùng có phải kẻ thù số một của các công trình xanh?
(Dân trí) - Những công trình xanh theo đúng nghĩa đen với thảm thực vật xanh mát đem lại không gian sống trong lành cho con người nhưng đồng thời cũng có nhiều vấn đề không mong muốn.
Sống xanh đã và đang trở thành xu hướng phát triển bền vững của thời đại. Trên khắp thế giới, những dự án sáng tạo kết nối con người với thiên nhiên nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng hơn bao giờ hết dù là công trình bền vững, thân thiện với môi trường hay xanh thực sự theo nghĩa đen.
Tuy nhiên, việc phủ xanh thế giới bằng cách bao phủ các bức tường và mái nhà bằng thảm thực vật cũng có thể đi kèm với một số vấn đề không mong muốn.
Muỗi và côn trùng là kẻ thù
Thành Đô của Trung Quốc đã thử nghiệm một công trình nhà ở xanh đúng nghĩa. Khu nhà gồm 826 căn hộ được thiết kế như một khu rừng thẳng đứng với không gian mở và ban công lớn bao phủ bởi cây xanh.
Dự án Qiyi City Forest Gardens bắt đầu được xây dựng vào năm 2018. Cho đến tháng 4/2020, hầu hết căn hộ ở đây đã được bán hết. Tuy nhiên, trong 6 tháng sau đó chỉ có rất ít gia đình chuyển đến ở khiến rất nhiều căn hộ trống.
Tòa nhà có hệ thống giúp giảm tiếng ồn và làm sạch ô nhiễm. Song cây cối phát triển mạnh, không có người chăm sóc khiến cho cây xanh mọc um tùm. Hiện tại, cây xanh xếp thành tầng ở hầu hết ban công trống, chắn ngang cửa sổ.
Thành Đô có khí hậu bán nhiệt đới, ẩm nhiều, là môi trường hoàn hảo cho rêu mốc sinh sản nhanh chóng. Chính vì vậy, bên cạnh việc được tận hưởng cảm giác sống cùng thiên nhiên, những cư dân của Qiyi City Forest Gardens cũng phải đối mặt với các loài côn trùng, muỗi.
Mối quan hệ cộng sinh
Tuy nhiên, có rất nhiều dự án xanh khác trên thế giới đã giải được bài toán này. Tiêu biểu là dự án chung cư xanh cao tầng Bosco Verticale ở Milan, Italy, do công ty kiến trúc Stefano Boeri Architetti phối hợp cùng nhà thực vật học Laura Gatti thiết kế.
Tòa tháp đôi được ví như một khu vườn thẳng với 730 cây xanh, 5.000 cây bụi, 11.000 dây leo và cây cỏ phủ khắp 27 tầng. Vô số cây to và nhỏ được trồng ở ban công trên bốn mặt của các tòa nhà vừa có tác dụng thẩm mỹ vừa có chức năng hấp thụ bụi trong không khí làm giảm ô nhiễm môi trường.
Đơn vị thiết kế tiết lộ đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu và lựa chọn thảm thực vật sao cho vừa đẹp, thân thiện với môi trường lại vừa đảm bảo phù hợp với khí hậu của Milan.
Kế hoạch của các nhà thiết kế là góp phần cải thiện chất lượng không khí trong thành phố thông qua các mặt tiền xanh. Điều nhận được sự ủng hộ từ cư dân tạo nên mối quan hệ cộng sinh giữa chủ đầu tư và những người sinh sống ở đây. Từ đó, cảnh quan của khu căn hộ cũng được chăm sóc một cách đúng nghĩa dẫn đến sự thành công của dự án.
Quay lại Qiyi City Forest Gardens, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ở Thành Đô, thói quen duy trì và chăm sóc cây xanh hầu như không có. Vì vậy, cũng không có mối quan hệ cộng sinh thực sự nào giữa những người quản lý tòa nhà và cư dân.
Kiến trúc sư cảnh quan người Mỹ Daryl Beyers nói rằng sự thất bại của Qiyi City Forest Gardens một phần là do thiết kế không hợp lý. Khí hậu Thành Đô vốn ẩm ướt và gió mùa nhiều, các chậu cây lại được thiết kế kém dẫn đến nước không thoát được tích tụ lại. Đó là môi trường lý tưởng cho côn trùng và muỗi sinh sôi.
Beyers cũng nhận định một phần lỗi là do khi phát triển dự án chủ đầu tư không nghĩ đến việc bảo trì. "Một khu vườn muốn phát triển đúng cách cần phải có người làm vườn", ông nói.
Ý tưởng về thảm thực vật xanh mát trên ban công chỉ hoạt động nếu cây được chăm sóc thường xuyên. Trong khi đó, những nhân viên chăm sóc cây xanh ở Qiyi City chỉ làm việc bốn lần trong một năm.
Sự thành công của một dự án xanh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố từ địa điểm, tài nguyên thiên nhiên, khí hậu địa phương, công nghệ và đặc biệt là sự phối hợp giữa những nhà quản lý và con người. Đáp ứng được những điều này, sống xanh chắc chắn không phải là một đích đến quá xa vời với tất cả mọi người.