“Cò” tung tin “thổi” giá bất động sản ở Đà Lạt

Ban ngành chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) nghi ngờ giới “cò” đất đang dùng chiêu trò đẩy giá bất động sản ở xứ lạnh lên cao bất thường nhằm trục lợi.

“Cò” tung tin “thổi” giá bất động sản ở Đà Lạt - 1

Giá đất trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP Đà Lạt) bị "thổi" lên rất cao Ảnh: Kim Anh

Các cơ quan chức năng thành phố Đà Lạt cho biết: Thời gian gần đây, có  nhiều tin đồn về việc sắp khởi công dự án Sân bay Lộc Phát (TP Bảo Lộc) và đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương nối vào đường cao tốc lên TP Đà Lạt. Ông Phùng Khắc Đồng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định đó là những tin đồn thất thiệt bởi đến nay, tỉnh Lâm Đồng  chưa thu xếp được nguồn vốn và chưa đưa dự án cao tốc Dầu Giây-Liên Khương vào danh mục kêu gọi đầu tư.

Về dự án sân bay Lộc Phát, ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay TP Bảo Lộc có gửi đến Sở KH-ĐT và đề nghị báo cáo trình UBND tỉnh Lâm Đồng đưa vào danh mục thu hút đầu tư. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến của các sở ngành liên quan, Sở GT-VT trả lời rằng sân bay Lộc Phát  không nằm trong quy hoạch của Chính phủ, do đó chúng tôi đã bác dự án này. Theo ông Đồng, nhiều khả năng một số người kinh doanh bất động sản đã tung những tin đồn thất thiệt kiểu này để trục lợi.

Những tháng gần đây “cò” đất tạo nên những cơn sốt ảo giá đất Đà Lạt nhằm lôi kéo người đầu tư vào bất động sản ở thành phố này. Chẳng hạn, vào tháng 3/2019, ngay sau khi chính quyền địa phương  công bố quyết định Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình (TP Đà Lạt), giá nhà đất các tuyến đường tại khu vực này liên tục bị “cò” đất đẩy lên rất cao, được rao bán trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, diễn đàn về nhà đất... với giá 500-700 triệu đồng, thậm chí có chỗ lên tới cả tỷ đồng/m2.

Trong khi, trước đây, giá nhà đất ở các trục đường quanh khu Hòa Bình như Phan Bội Châu, Nguyễn Chí Thanh, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng… cao nhất chỉ khoảng 150-250 triệu đồng/m2. Ông Đồng cho rằng mức giá này vô cùng phi lý, không có căn cứ. Những cơn sốt ảo giá đất kiểu này rất tai hại, gây ảnh hưởng rất lớn đến nhà đầu tư khi muốn vào Đà Lạt tìm cơ hội sản xuất - kinh doanh.

Sốt ảo lan đến vùng ven

Cơn sốt đất còn lan ra những vùng ngoại ô của Đà Lạt, đặc biệt là các xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành…, không chỉ với đất xây dựng mà ngay cả đất nông nghiệp. Trong vai người đi mua đất, chúng tôi tìm đến thôn Đất Làng thuộc xã Xuân Trường. Từ đầu thôn đã chạm mặt khá nhiều “cò” đất. Một người tên Thuận mau mắn dẫn chúng tôi đến khu đất đồi cao có view đẹp nhìn xuống thung lũng hét giá 2 tỷ đồng/sào đất nông nghiệp.

Cách đây vài năm, lô đất này bán cao lắm chỉ vài trăm triệu đồng. Anh ta hứa hẹn giúp chuyển đổi thành đất ở với giá khoảng 400 ngàn đồng/m2. “Đất khu này đang sốt đó! Khách từ Hà Nội và TPHCM rất “ghiền”. Hãy chốt giá và đặt cọc sớm kẻo mất cơ hội”, “cò” đất tỉ tê. Sau đó, chúng tôi trao đổi với cán bộ xã Xuân Trường và được biết lô đất này không thể chuyển đổi vì nằm ngoài khu quy hoạch đất ở.

Khi TP Đà Lạt trở nên chật chội, việc người dân một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM ra vùng ven Đà Lạt mua đất cất nhà để nghỉ dưỡng cuối tuần là có, nhưng không quá nhiều. Tuy nhiên, “cò” đất lợi dụng chuyện này để gây những cơn sốt ảo, hét giá trời ơi kiếm lời. Nhiều người bỏ tiền mua đất nông nghiệp với giá quá cao so với giá trị thực của mảnh đất. Mua xong lại lo lắng vì không biết có thể chuyển đổi sang đất xây dựng được không?

Theo: Kim Anh

Tiền Phong 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm