1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Cổ đông ngoại đòi "lật ghế" sếp Coteccons, Chủ tịch Hiệp hội VACC nói gì?

(Dân trí) - Chia sẻ về sự biến tại Coteccons, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), thành viên Hội đồng quản trị độc lập tại Coteccons rất lấy làm tiếc về vấn đề này.

Ông Hiệp cho rằng, để vun đắp cho doanh nghiệp hùng mạnh mới khó, chứ đạp đổ rất dễ, vì vậy con đường tốt nhất là hai bên cần ngồi lại với nhau cùng thảo luận giải pháp "win - win" kể cả việc có sự tham dự của cơ quan nhà nước hoặc có nhân vật trung gian có uy tín làm chỗ dựa.

“Sự biến” Coteccons, lời cảnh báo doanh nghiệp lớn ngành xây dựng

Theo Chủ tịch VACC, Coteccons là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam nên việc xung đột vừa qua làm suy giảm doanh nghiệp này và đây cũng là sự báo động về vấn đề thâu tóm nước ngoài ở các doanh nghiệp xây dựng lớn, nguy cơ khiến doanh nghiệp lâm vào bi đát, nguy cơ sụp đổ rất lớn.

Cổ đông ngoại đòi lật ghế sếp Coteccons, Chủ tịch Hiệp hội VACC nói gì? - 1

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC đề xuất các bên cùng ngồi lại để tháo gỡ xung đột, cứu vãn Coteccons

Theo ông  Hiệp: “Xung đột quyền lợi giữa nhóm cổ đông lớn nước ngoài và nhóm cổ đông trong nước trực tiếp là ban điều hành là một trong những nguyên nhân chính làm doanh thu của Coteccons suy giảm trong thời gian qua. Sự xung đột này làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào công ty Coteccons, làm mất các hợp đồng nhận được trong thời gian qua, nếu tiếp tục không có giải pháp, chưa biết Coteccons sẽ đi về đâu".

Lý giải về việc sát nhập Ricons vào Coteccons cao trào thổi bùng xung đột các cổ đông ngoại với ban lãnh đạo Coteccons, ông Hiệp cho rằng: Việc sáp nhập Ricons là chủ trương được đưa ra từ nhiều năm trước nhưng nhiều lần bị các cổ đông ngoại phủ quyết.

"Khẳng định ban lãnh đạo Coteccons tư lợi là ý kiến áp đặt, thiếu căn cứ. Với những kết luận áp đặt này, nếu đứng ở khía cạnh danh dự, tôi cho đó là một sự xúc phạm không nên có", ông Hiệp bình luận.

Hiện các cổ đông nước ngoài viện lý do việc Ricons phát triển tốt là do Chủ tịch Coteccons ưu ái và giao việc cho làm, nếu sáp nhập Ricons vào Coteccons sẽ khiến họ mất quyền lợi. Bên cạnh đó, việc Coteccons bị suy giảm là do Ricons được ưu ái?

Chủ tịch VACC cho rằng: “Bản thân Coteccons đã là gã khổng lồ rồi, giữ được sự khổng lồ đã khó, tiếp tục cho nó khổng lồ hơn nữa càng khó hơn. Các cổ đông ngoại thừa hiểu về lý thuyết kinh tế này. Trong khi đó, doanh nghiệp như Ricons đang phát triển lên là điều rất dễ dàng”.

Theo ông Hiệp, doanh thu của Coteccons năm 2018 đạt 27.000 tỷ đồng, năm 2019 sụt giảm xuống 23.700 tỷ đồng. Trong khi đó, Ricons cũng sụt giảm, và chỉ giữ được doanh thu năm 2018 là 9.300 tỷ đồngvà đến năm 2019 hơn 8.000 tỷ đồng , giảm chút ít hơn.

Nếu Coteccons tiếp xung đột sẽ là vấn đề cực kỳ đau xót!

Chủ tịch VACC cho rằng, trong lúc khó khăn mà Coteccons vẫn cam kết chia cổ tức bằng tiền mặt từ 30% - 50% cho cổ đông, thậm chí năm 2019, khi doanh thu không như kỳ vọng nhưng cũng trả cổ tức tiền mặt 30%. Rõ ràng, điều này đã khiến thị trường và ngay cả bản thân nhà đầu tư cảm thấy sự yên tâm.

Cổ đông ngoại đòi lật ghế sếp Coteccons, Chủ tịch Hiệp hội VACC nói gì? - 2

Mâu thuẫn nội bộ của Coteccons đang khiến nhiều nguy cơ có thể xảy ra đối với một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam cho biết, Coteccons hiện là công ty rất mạnh, trong báo cáo của doanh nghiệp này đã đưa ra số dư tiền gửi ở ngân hàng trên 3.000 tỷ đồng. Năng lực tài chính rất khỏe, các công ty khác trong Hiệp hội nhà thầu đều ngưỡng mộ. Tuy nhiên, bên trong còn tồn tại vấn đề xung đột.

"Doanh nghiệp xây dựng mà có dư tiền gửi lớn như vậy tại Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay và là niềm mơ ước nhiều người", ông Hiệp cho hay.

Theo Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, bản thân Ricons và Coteccons đều là doanh nghiệp đại chúng, được quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán và các cổ đông của họ, vì vậy, không phải dễ dàng chuyển bên nọ sang bên kia tùy ý theo ý kiến cá nhân ai đó, mọi việc đều phải đúng luật.

"Việc cổ đông ngoại quy kết lãnh đạo Coteccons muốn sáp nhập Ricons là vì tư lợi là rất vội vàng. Nếu tiếp tục xung đột chỉ khiến Coteccons thêm khó khăn, hàng chục nghìn lao động mất việc làm và ngành xây dựng Việt Nam mất đi một con chim đầu đàn. Đây là vấn đề rất đau xót và vì vậy Hiệp hội đề nghị các cơ quan quản lý cần vào cuộc để hòa giải, giúp doanh nghiệp tồn tại cho doanh nghiệp và công ăn việc làm cho người lao động", ông Hiệp cho hay.

Về xung đột trong nội bộ Coteccons, sau 8 năm gắn bó (2012) từ mối quan hệ đối tác chiến lược, đến nay Kusto (cổ đông từ Singapore) và một cố cổ đông ngoại khác đã chuyển sang đối đầu trực diện với ban lãnh đạo, cổ đông trong nước của Coteccons  vì liên quan đến quyền lợi sáp nhập công ty con Ricons.

Cụ thể, năm 2018, vấn đề sáp nhập Ricons được đưa ra bàn bạc công khai, nhưng cổ đông Kusto phản đối dù lãnh đạo Coteccons cho rằng việc sáp nhập thêm Ricons giúp doanh nghiệp có 3 trong 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam.

Sự việc được lắng xuống, đến năm 2019, phương án sáp nhập Riccons về Coteccons lại được đề xuất và phía Kusto tiếp tục phủ quyết. Sự việc đã khiến đích thân ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của Coteccons đề nghị không thực hiện hay bàn thảo thêm việc sáp nhập Ricons vào Coteccons.

Tuy nhiên, sự việc bùng nổ cao trao khi ngày 2/6/2020, Kusto ra thông báo tổ chức họp đại hội đồng quản trị bất thường để biểu quyết thay đổi hội đồng quản trị yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương, ông Nguyễn Sỹ Công và ông Trần Quang Quân từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons.

Phản ứng tức thì, ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng Giám đốc Coteccons cho rằng:  những cáo buộc vô căn cứ của Kusto gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cổ phiếu CTD cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

"Việc Kusto đơn phương ra thông cáo báo chí vào ngày 2/06/2020, với những nhận định mang tính chất thù địch, bôi nhọ danh dự của ban lãnh đạo Coteccons, Kusto sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này", Tổng giám đốc Coteccons cho biết.

Nguyễn Tuyền