1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Chuyên gia: Né trách nhiệm, “tắc" trong duyệt dự án khiến bất động sản lĩnh đủ

(Dân trí) - Theo lãnh đạo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là một trong những nguyên nhân dẫn đến sụt giảm nguồn cung bất động sản.

Chuyên gia lo mất cân đối cung cầu bất động sản

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam ngày 27/11, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc tổng rà soát các dự án vừa qua đã gây ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.

Dự án “ách tắc", chậm được phê duyệt cấp phép khiến nguồn cung thị trường giảm sút. 

Dẫn số liệu từ Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), ông Đính cho biết, trong năm 2019, TP.HCM có khoảng 5 dự án được phê duyệt chủ trương và 32 dự án được cấp phép đủ điều kiện đưa vào thị trường.

Riêng quý III có 8 dự án được cấp phép đưa vào thị trường, trong đó có 1 dự án của Vingroup cung cấp phần lớn sản phẩm, còn lại 7 dự án chỉ chiếm gần 50% còn lại.

“Điều này cho thấy cơ cấu sản phẩm đang mất cân đối”, ông Đính nói và cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc tổng rà soát các dự án thời gian qua.

Theo ông Đính, mặc dù đồng ý rằng rà soát là đúng và cần thiết nhưng nếu không có giải pháp để đẩy mạnh hơn, nhanh hơn thì năm 2020 sẽ tiếp tục gặp vấn đề cầu nhiều nhưng cung ít.

“Cung thiếu trong khi cầu nhiều sẽ khiến thị trường không ổn định, không lành mạnh. Nhu cầu thì rất tốt, ra đến đâu đều hấp thụ hết, nhưng không có hàng để bán”, ông Đính nói.

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cũng nhấn mạnh tới những khó khăn về thủ tục hành chính và những sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới khiến nguồn cung thị trường sụt giảm.

“Thủ tướng Chính phủ từng nhắc nhở việc các cơ quan quản lý Nhà nước còn có hiện tượng né trách nhiệm, dẫn đến sự chậm trễ trong việc phê duyệt, triển khai dự án và thu hút đầu tư”, ông Nam nói.

Cũng theo ông Nam, việc cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… chính là nguyên nhân lớn dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch bất động sản cũng giảm.

Mặt khác, công tác quy hoạch, đền bù, phê duyệt dự án… đều bị siết chặt trong khi nhu cầu triển khai dự án của nhà đầu tư lại rất cao. Chưa kể, thị trường đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải chờ đợi nhiều bộ Luật, văn bản liên quan trong giai đoạn điều chỉnh, hoàn thiện như Luật Quy hoạch, Đất đai, Nhà ở, Xây dựng, Kinh doanh bất động sản…

“Các xung đột, chồng chéo đã hạn chế các tác động tích cực trong thực thi các đạo luật, tạo ra cản trở trong quá trình thực thi trên thực tế, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư”, ông Nam nêu rõ.

Trước đó, Dân trí đã có nhiều bài viết về hiện tượng cán bộ sợ sai, không dám làm ảnh hưởng tới nền kinh tế, trong đó có việc chậm trễ trong cấp phép dự án. 

Thực tế tâm lý sợ sai đã xuất hiện sau những vụ khởi tố, bắt giam một số nguyên lãnh đạo các thời kỳ tại một số địa phương như Đà Nẵng, TP.HCM... do có các sai phạm trong quản lý, gây thất thoát tài sản công.

Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM với các doanh nghiệp bất động sản hồi tháng 4/2019, lãnh đạo chính quyền TP cũng cho biết đang rất áp lực trước tình trạng nhiều cán bộ sợ trách nhiệm đến mức không dám làm việc…

Nguyễn Mạnh