Chuyển đổi số bất động sản mang lại lợi ích cho chủ đầu tư và người mua

Trần Kháng

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và mang lại hiệu quả rất lớn trong phát triển bất động sản.

Chuyển đổi số bất động sản còn chậm

Phát biểu tại diễn đàn bất động sản 2022 về proptech do báo Thanh Niên tổ chức chiều 13/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản còn chậm hơn so với các lĩnh vực khác; nguồn nhân lực chất lượng cao về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bất động sản còn hạn chế. 

Chuyển đổi số bất động sản mang lại lợi ích cho chủ đầu tư và người mua - 1

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Hữu Thắng).

Bất động sản là mặt hàng có giá trị lớn nên việc thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến của người dân cần có thời gian. Các chủ thể tham gia vào thị trường bất động sản chưa có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ. 

Theo ông Sinh, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ chủ trì xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về nhà ở, công sở; thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm, chỉ số giá một số loại bất động sản tại các đô thị. Đây là dữ liệu đầy đủ tin cậy liên quan đến số lượng dự án, giao dịch, các dự án hoàn thành được mở bán cũng như thông tin giá cả, cơ cấu…

Ngoài ra, hệ thống có các thông tin số dự án khởi công trong năm, diện tích nhà ở xã hội hoàn thành hàng năm, chỉ số bất động sản, một số dịch vụ kinh doanh bất động sản... Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã tích cực triển khai chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp, quản lý hệ thống thông tin khách hàng, giao dịch khách hàng...

Bên cạnh đó, để góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị diễn đàn tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về nhà ở, thông tin về các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm, chỉ số giá một số loại hình bất động sản, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch, đất đai... tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được tiếp cận các nguồn thông tin công khai, minh bạch, đủ độ tin cậy về thị trường bất động sản.

Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần tiếp tục đẩy mạnh việc trao đổi, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thay đổi tư duy, thói quen từ trực tiếp sang trực tuyến; chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài có kinh nghiệm về chuyển đổi số.

Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại cần đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và trung gian thanh toán trong việc xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng để phổ biến rộng rãi tới người dân sử dụng trong quá trình giao dịch bất động sản; đồng thời hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn vay nhờ các giải pháp chấm điểm tín dụng với kho dữ liệu khách hàng và mô hình chấm điểm hiện đại, đáng tin cậy...

Chuyển đổi số là tất yếu

Trao đổi về vấn đề chuyển đổi số trong bất động sản, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng quá trình chuyển đổi số chỉ có thể thực hiện tốt khi làm rõ được các hạng mục của hạ tầng cần thực hiện. Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản cần một thời gian dài và một lượng kinh phí đáng kể.

Ngược lại, theo ông Võ, chuyển đổi số sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong phát triển bất động sản.

Thứ nhất, tạo được một thị trường bền vững, không bị trồi sụt, thiếu bền vững như hiện nay. Thứ hai, thực hiện đầy đủ yêu cầu về công khai, minh bạch thị trường. Thứ ba, thay đổi được các cách thức giao dịch (mua bán) bất động sản, mang lại lợi ích cho cả các chủ đầu tư dự án và người mua hàng. Thứ tư, gắn kết được các cơ quan Nhà nước có liên quan việc quản lý thị trường, đảm bảo tính đồng bộ của quản lý Nhà nước. Thứ năm, đủ cơ sở để phát triển thị trường theo hướng xanh và thông minh, mang lại lợi ích chung cho cả quốc gia và từng người dân. 

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Quốc Khánh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần TNTech cũng cho rằng, bất động sản là một ngành với sản phẩm và quy trình rất đặc thù.

Lĩnh vực bất động sản cũng được chia làm nhiều phạm vi hoạt động nhỏ hơn, bao gồm từ quá trình hình thành tài sản, quá trình bán hàng và quá trình vận hành sau bán hàng. Khối lượng quy trình, quy định cũng như việc tham gia của rất nhiều đơn vị hành chính khác nhau càng làm tăng độ phức tạp khi áp dụng công nghệ vào.

Theo ông Khánh, chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp quản trị tốt hơn, tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng trải nghiệm cho khách hàng, mở rộng thị trường, từ đó tăng doanh thu, làm gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chậm chạp và không có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ bị tụt lại và có nguy cơ bị đào thải.

Ông Hoàng Mai Chung - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land - cũng cho rằng, chuyển đổi số đã giúp rút ngắn thời gian, chi phí, nhân lực trong quá trình tìm hiểu, mua bán bất động sản. Cụ thể, chuyển đổi số sẽ giúp người mua tìm được sản phẩm bất động sản phù hợp nhất với mức giá hợp lý nhất; giúp quay vòng vốn nhanh, ổn định thị trường; kết nối cung cầu; giúp thị trường lưu thông, tăng tính thanh khoản.

Ngoài ra, theo ông Chung, chuyển đổi số sẽ giúp môi giới bất động sản kết nối với khách hàng dễ dàng, giúp các sàn môi giới giảm chi phí nhân sự… Mục tiêu của chuyển đổi số là đáp ứng 3 yếu tố cơ bản của thị trường bất động sản gồm cung cấp thông tin, hỗ trợ giao dịch và quản lý các quá trình. Đặc biệt, các đối tượng tham gia vào chuỗi bất động sản là rất lớn từ cá nhân, tổ chức, khách hàng với các khâu là giao dịch, mua bán, cho thuê, bảo trì.