Chuông gió Furin trong văn hóa người Nhật Bản

Chi Chi

(Dân trí) - Hình ảnh Furin treo dưới hiên nhà được coi là biểu tượng của sự may mắn ở Nhật Bản.

Chuông gió Furin có nguồn gốc từ đâu?

Chuông gió có mặt tại Nhật Bản vào thế kỷ thứ XII tức thời Edo (1603-1867) và được gọi là Furin. Furin - chuông gió Furin là sự lồng ghép tưởng chừng như đơn giản mà lại vô cùng khéo léo giữa hai từ "fu" là gió và "rin" là chuông.

Thời Edo, chuông gió Furin được trên vai những người bán hàng rong đi từ thị trấn này đến thị trấn khác, cùng phát ra những thanh âm trong trẻo, êm ái của nó thu hút sự chú ý của mọi người trong suốt cuộc hành trình. Chính vì lí do này mà Furin đã trở nên phổ biến và được sử dụng ở khắp mọi nơi.

Chuông gió Furin trong văn hóa người Nhật Bản - 1

Cấu tạo, hình dáng của những chiếc chuông gió Furin

Chuông gió Furin được làm chủ yếu bằng thủy tinh hình tròn có kích thước 4 x 5 cm hoặc 8 x 7 cm với họa tiết trang trí đặc sắc mà gần gũi như con vật, cây cỏ, hình tượng vị thần như Ebisu (Huệ Bỉ Tu), thần Daikokuten (Đại Hắc Tiên)...

Dưới mỗi chiếc chuông sẽ treo thêm một mảnh giấy gọi là Tanzaku, viết lên đó là những lời chúc may mắn, cầu bình an như những bài thơ ngắn 17 âm tiết là thơ Haiku hay thơ ngắn 13 âm tiết gọi là thơ Waka. Người Nhật đã rất sáng tạo ở chỗ thêm chiếc lưỡi treo vào trung tâm để tạo ra âm thanh nhẹ nhàng mỗi khi nó chuyển động.  

Chuông gió Furin trong văn hóa người Nhật Bản - 2


Ngày nay, hình dáng của Furin được thay đổi liên tục từ đơn giản đến phức tạp. Nó có thể dưới dạng một chiếc đèn lồng, con cá cho đến hình một ngôi chùa nhỏ, ngôi đền và những hình thù độc đáo khác.

Được trang trí bằng nhiều màu sắc khác nhau vì người Nhật quan niệm rằng mỗi màu sắc trên chuông gió Furin mang một ý nghĩa riêng theo chủ ý của người chế tác hoặc người tặng.

Chuông gió Furin trong văn hóa người Nhật Bản - 3

Tại sao người Nhật lại sử dụng chuông gió Furin để trang trí

Chuông gió được coi như một thứ xua đuổi tà ma, bệnh tật. Trong thời Kamakura (1185 - 1333) giới quý tộc Nhật Bản đã treo Furin trên cửa để ngăn chặn "Yakubyougami" - con quỷ mang đến bệnh tật và thảm họa, đột nhập vào phòng.

Bên cạnh đó cũng được coi là vật để bảo vệ, chống lại các thảm họa tự nhiên. Người Nhật nghĩ rằng gió lớn sẽ kéo theo cả dịch bệnh, nên để ngăn chặn dịch bệnh và muốn bảo vệ bản thân, họ đã treo một cái chuông bằng đồng có tên là "Futaku" ở nơi hiên nhà, trong phạm vi có âm thanh của chiếc chuông sẽ là nơi an toàn và có thể tránh được tai ương.

Chuông gió Furin trong văn hóa người Nhật Bản - 4

Phong linh là linh hồn của gió, sự hòa trộn giữa chuông và gió tạo nên một âm điệu tuyệt vời của đất trời cỏ cây, của âm dương nhật nguyệt, thể hiện sự hài hòa giữa con người với đất trời. Hình ảnh Furin treo dưới hiên nhà được coi là biểu tượng của sự may mắn và được dùng trong phong thủy như một thứ bùa cầu may, mang lại cảm giác bình an cho gia chủ.

Người Nhật cũng tin tưởng rằng thanh âm leng keng của những chiếc chuông gió sẽ mang lại cảm giác bình yên cho gia chủ, xoa dịu đi cái nóng của những trưa hè, kích thích thính giác và thậm chí còn có thể gọi gió. 

Chuông gió Furin trong văn hóa người Nhật Bản - 5

Chuông gió Furin có thể hóa giải hung khí, biến hung thành cát khi không may căn nhà hoặc cơ sở đó không may bị phạm phải những điều cấm kỵ. Nên treo Furin ở giữa nhà hoặc trước cửa ra vào, cửa sổ nơi được coi là hướng xấu của căn nhà, nếu treo chỗ có gió thì càng tốt vì âm thanh chuông gió phát ra sẽ hóa giải khí xấu rất hiệu quả.

Trên hết, những chiếc chuông này còn mang theo cả thông điệp yêu thương trong tình yêu. Đó là khi người con gái hoặc người con trai nhận được chiếc chuông gió và treo nó ở nơi có nhiều ánh sáng và gió nhất, âm thanh mà nó phát ra là bản giao hưởng của tình yêu cùng với lời nhắn của người tặng nó là "Anh/Em sẽ mãi mãi bên em/anh".

Ngoài ra, theo quan niệm của người phương Đông và trong truyền thuyết về tình yêu thì khi hai người lạc mất nhau, người con gái sẽ rung lên từng hồi chuông để chỉ đường dẫn lối cho người con trai quay trở về.