Chủ dự án Kim Chung - Di Trạch mà Thanh tra mới nhắc nhở làm ăn ra sao?
(Dân trí) - Năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 453,2 tỷ đồng, tăng 43,2% so năm 2021. Công ty này có quy mô tài sản lớn hơn cả Becamex, Nam Long, Khang Điền.
Thanh tra Chính phủ vừa công bố hàng loạt vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng TP Hà Nội phải xử lý trong quá trình thực hiện dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch, huyện Hoài Đức.
Đối với chủ đầu tư dự án, Thanh tra Chính phủ phát hiện ra Tổng Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng (Vietracimex) đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình xây dựng và nhà ở của dự án mà không lưu giữ hồ sơ, bản vẽ, bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, 1/500 được cơ quan Nhà nước phê duyệt.
Doanh nghiệp này còn ký hợp đồng chuyển nhượng đất, nhà cho 16 khách hàng khi dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.
Bên cạnh yêu cầu xác định rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp với Vietracimex khẩn trương rà soát, thực hiện các thủ tục thu nộp nghĩa vụ tài chính của dự án, đảm bảo thu đúng, thu đủ.
Vietracimex là doanh nghiệp nào và hiện kinh doanh ra sao?
Theo thông tin tự giới thiệu, tiền thân doanh nghiệp này là Tổng Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng là Nhà máy vật liệu Hà Nội thành lập năm 1961. Đến năm 2005, nhà máy này được cổ phần hóa thành Tổng Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng. Ngành nghề kinh doanh chính của tổng công ty này là bất động sản, năng lượng và sản xuất công nghiệp.
Ngoài dự án Kim Chung - Di Trạch, doanh nghiệp này còn là chủ đầu tư dự án Hinode City (TP Hà Nội), cụm nhà máy điện gió Cà Mau 1.
Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, Vietracimex có vốn điều lệ 8.510 tỷ đồng. Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Lê Tuấn Dũng.
Năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 453,2 tỷ đồng, tăng 43,2% so với mức hơn 316,5 tỷ đồng đạt được năm 2021.
Như vậy, tính trung bình mỗi ngày năm 2022, chủ đầu tư dự án Kim Chung - Di Trạch lãi 1,2 tỷ đồng, còn năm trước đó lãi khoảng 900 triệu đồng.
Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm 2022 đạt 14.437 tỷ đồng, tăng 3,2% so với mức 13.979 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
Hệ số nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022 là 2,47 lần. Như vậy, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 tương ứng là khoảng 35.659 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả cuối năm 2021 là 2,11 lần, do đó nợ phải trả tương đương mức 29.496 tỷ đồng.
Từ những dữ liệu này có thể tính ra tổng tài sản của doanh nghiệp này ghi nhận cuối năm 2022 là 50.096 tỷ đồng, tăng 15,2% so với mức 43.475 tỷ đồng cuối năm 2021.
Có thể thấy mức tổng tài sản này của Vietracimex chỉ thua Vinhomes (361.813 tỷ đồng), Novaland (257.365 tỷ đồng), lớn hơn cả quy mô của Becamex (49.298 tỷ đồng), Nam Long (27.085 tỷ đồng), Khang Điền (21.539 tỷ đồng).
Với mức lãi khiêm tốn, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp chỉ ở mức 3,1% của cuối năm 2022. Tỷ suất sinh lời cao nhất là 4% vào năm 2019.
Dư nợ trái phiếu so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này trong năm vừa qua giảm về mức 0,49 lần so mức 0,67 của giai đoạn 2019-2020.
Theo dữ liệu từ HNX, từ năm 2018 đến 2021, doanh nghiệp này có 14 đợt phát hành trái phiếu. Hiện doanh nghiệp còn 13 lô trái phiếu còn lưu hành sau khi hủy một phần với tổng trị giá 2.376 tỷ đồng với lãi suất 9,8-10%/năm.
Ngoài việc phát hành trái phiếu để huy động vốn, Vietracimex còn liên tục vay vốn từ các ngân hàng lớn, giá trị khoản vay lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là dự án Kim Chung - Di Trạch, nhà máy điện Hồng Phong 1, nhà máy điện gió Cà Mau 1B, hợp đồng mua bán căn hộ tại Hinode City.