Chủ đầu tư tự phong "dự án xanh" để bán hàng

Công trình xanh được nhìn nhận là một giải pháp hiệu quả cả về mặt chi phí lẫn lợi ích. Tuy nhiên, sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam thời gian vừa qua còn khá chậm chạp.

Ông Richard Colville - Giám đốc Dịch vụ quản lý tài sản CBRE Việt Nam cho biết, trong dài hạn một dự án bất động sản phát triển theo tiêu chí xanh sẽ mang lại nhiều giá trị lợi ích cho cả người mua nhà lẫn chủ đầu tư. Do đó, đây sẽ là xu hướng được các chủ đầu tư hướng tới trong tương lai gần.

Chủ đầu tư tự phong dự án xanh để bán hàng - 1

Việt Nam chưa có nhiều dự án xanh đạt chuẩn quốc tế

Công trình đạt “chuẩn xanh” còn ít

Tuy nhiên, ông Richard Colville cũng thừa nhận, tại Việt Nam có khá nhiều chủ đầu tư hướng tới việc phát triển các dự án bất động sản theo tiêu chí "xanh" và đón nhận sự quan tâm khá lớn của người mua nhà. Tuy nhiên, phát triển xanh theo các tiêu chí chuẩn quốc tế chưa thấy nhiều.

Thống kê của CBRE cho thấy, hiện tại chỉ có 22 dự án được chứng nhận LEED và 22 dự án được chứng nhận LOTUS ở Việt Nam. Đây là một số lượng tương đối ít so với tổng số lượng dự án đang triển khai hiện tại.

Thực tế, cũng không phủ nhận nhiều dự án bất động sản sử dụng mác “xanh”, “sinh thái” như một cách để tạo sự quan tâm của khách hàng mua nhà, nhưng phần nhiều trong số này lại không đạt, hoặc mỗi dự án lại tự đặt ra một tiêu chuẩn riêng. Điều này khiến cho khá nhiều khách hàng có băn khoăn về các dự án xanh hiện nay.

Theo ông Richard Colville, cần hiểu rằng một dự án xanh không phải cứ thích xanh lúc nào cũng được mà nó là cả một quá trình từ việc lên ý tưởng, lập kế hoạch, làm thiết kế và triển khai thì kết quả cuối cùng mới ra một công trình.

“Như vậy, bạn cần phải có tư tưởng làm công trình xanh ngay từ đầu, sau đó phải nghiên cứu rất rõ về các tiêu chí xanh và từ đó lập thiết kế theo các tiêu chí xanh. Đến lúc triển khai có thể thay đổi nhưng sẽ không quá nhiều và yếu tố xanh vẫn được đảm bảo từ đầu đến cuối. Nếu làm đúng thì mức chi phí mà chủ đầu tư bỏ ra sẽ không khác quá nhiều so với dự án không xanh. Điều này đã được chứng minh tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, hoặc tại một số quốc gia tại Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan hay Malaysia…”, ông Richard Colville đưa dẫn chứng.

Do đó, ông Richard Colville đưa ra lời khuyên dành cho các nhà phát triển quan tâm đến xây dựng bền vững, đó là đưa ra quyết định "xanh" sớm trong quá trình thực hiện dự án.

“Họ nên thuê chuyên gia tư vấn xác nhận trước khi thiết kế hoàn thành. Nhiều yêu cầu của tòa nhà xanh không phải trả thêm chi phí nhưng phải được đưa vào thiết kế ngay từ đầu nếu không sẽ tốn kém thêm chi phí khi xây dựng đã bắt đầu”, Giám đốc Dịch vụ quản lý tài sản CBRE Việt Nam đưa ra lời khuyên.

Cần sự nỗ lực của Chính phủ và người dân

Dưới góc nhìn của người trong cuộc, ông Trần Như Trung - Phó tổng giám đốc Capital House thẳng thắn thừa nhận nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang lợi dụng yếu tố "xanh" để quảng bá cho dự án của mình nhằm gây sự chú ý của khách hàng và bán sản phẩm. 

"Phát triển công trình xanh đòi hỏi các chủ đầu tư phải tuân thủ những bộ tiêu chí rất cụ thể nhằm tìm giải pháp cho các vấn đề tiết kiệm nhiên liệu trong chính dự án. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư hiện vẫn chưa thực sự hiểu rõ vấn đề này, quảng cáo "xanh" không đúng với bản chất" - vị lãnh đạo này cho hay.

Một thử thách khác đối với các chủ đầu tư trong việc phát triển công trình xanh theo ông Trung là vấn đề lợi nhuận. Chủ đầu tư phải hi sinh lợi nhuận của chính mình, đầu tư cho thiết kế, thi công nhiều hơn. Trong khi đó, đôi khi khách hàng chưa nhận thức rõ được những ưu việt của công trình xanh nên họ có rất nhiều lựa chọn tại các dự án khác.

Kiến trúc sư Chan Ee Mun – Giám đốc thiết kế WOHA Architects cho rằng để phát triển các công trình xanh cần sự nỗ lực của Chính phủ và người dân.

Dẫn chứng kinh nghiệm từ Singapore: “Hơn 50 năm trước, Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã đưa ra tầm nhìn về Singapore với hình ảnh là một “Thành phố Xanh” – một thành phố với nhiều không gian cây xanh và môi trường trong lành phục vụ đời sống của người dân. Và để đạt được mục tiêu như hình ảnh mà ngày nay ở đất nước Singapore, đó chính là sự nỗ lực và kiên trì trong một thời gian dài của chính phủ và người dân. Bởi vì mục tiêu đó nên các không gian công cộng và ngay cả công trình dân dụng đều đi theo thiết kế xanh”.

Với hàng loạt các chương trình khuyến khích việc sử dụng cây xanh trong thiết kế các tòa nhà hay hạ tầng đô thị (hệ thống đường giao thông công cộng rộng lớn tại Singapore) đã đem lại một kết quả rõ rệt cho môi trường đô thị. “Trong tương lai, Singapore sẽ tiếp tục đầu tư vào việc nghiên cứu công nghệ để phát triển kinh tế và môi trường xây dựng theo định hướng phát triển một đất nước thông minh”, Kiến trúc sư Chan Ee Mun nói thêm.

Kiến trúc sư Chan Ee Mun cho rằng, hiện nay tại các nước Đông Nam Á có tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh. Người dân từ các vùng nông thôn đổ về các đô thị để tìm kiếm việc làm rất đông. Vì vậy, định hướng của các thành phố cần giải quyết được các vấn đề xoay quanh việc đô thị hóa theo phương châm “more with less” – Nghĩa là xây dựng các công trình với mật độ cao để tiết kiệm tài nguyên đất, đáp ứng được tiện nghi cuộc sống cho người dân.

“Với việc xây dựng các tòa nhà cao tầng công nghệ cao, chúng ta có thể giảm được diện tích xây dựng nhưng vẫn hoàn toàn có thể tạo ra các không gian sống tốt cho người dân”, ông Chan Ee Mun nói.

Theo: Hồng Hương

DDDN 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm