Chủ đầu tư nỗ lực "chịu đựng", giá nhà kiên quyết không giảm

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, nhìn chung giá nhà có xu thế tăng trong các năm qua và ngay trong thời gian đại dịch Covid-19, đặc biệt giá nhà sơ cấp vẫn “neo” cao.

Chủ đầu tư nỗ lực chịu đựng, giá nhà kiên quyết không giảm - 1
Giá nhà vẫn "neo" cao bất chấp mọi khó khăn do đại dịch.

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế khó khăn, chật vật. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Covid-19 làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản.

Thống kê của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2020, có đến 923 doanh nghiệp bất động sản tạm ngừng hoạt động, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác. 

Cũng trong 8 tháng đầu năm, có 9/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Trong các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2019, kinh doanh bất động sản tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 59%.

Mặc dù chịu nhiều tác động song ông Lê Hoàng Châu cho biết, bất động sản không xuất hiện tình trạng giảm giá mạnh.

"Nhìn chung giá nhà có xu thế tăng trong các năm qua và ngay trong thời gian đại dịch Covid-19", ông Châu cho biết. Đặc biệt giá nhà sơ cấp vẫn “neo” cao. Nguyên nhân được ông Châu lý giải là do chi phí đầu tư cao và các chủ đầu tư nỗ lực tối đa để chịu đựng và giữ giá.

Theo ông Châu, thời gian qua chỉ xuất hiện tình trạng sụt giảm mạnh giá cho thuê bất động sản (nhà phố, cơ sở thương mại, dịch vụ cho thuê), hoặc tình trạng sụt giảm giá bán nhà trên thị trường thứ cấp, do nhà đầu tư không chịu đựng nổi áp lực trả lãi, trả nợ gốc, phải chấp nhận “bán lỗ để cắt lỗ”.

Tại toạ đàm về bất động sản diễn ra mới đây, lãnh đạo một số doanh nghiệp địa ốc lớn trên thị trường cũng cho biết qua hai đợt dịch bùng phát, doanh nghiệp không có bất kỳ một chính sách nào “phá giá”.

"Qua hai làn sóng Covid-19, tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu khủng hoảng hay giảm giá, bán phá giá nào cả", lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc lớn ở Hà Nội chia sẻ.

Một trong những lý do được đưa ra đó là do khó khăn về pháp lý, nguồn cung khan hiếm. 

Còn nhớ, khi địa ốc khủng hoảng năm 2008-2009, giá nhà đất lao dốc 30-40%, song giữa dịch Covid-19, giá đi ngang thậm chí tăng lên ở nhiều phân khúc. Bên cạnh vấn đề về khan hiếm nguồn cung, các chuyên gia cũng phải lưu ý thêm, cuộc khủng hoảng bất động sản thập kỷ trước, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng. Còn Covid-19 xuất hiện khi lãi suất ngân hàng ở mức thấp đã phần nào giảm thiểu được làn sóng bán tháo, giảm giá tài sản. 

Chủ tịch HoREA - ông Lê Hoàng Châu dự báo, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, có thể còn kéo dài trong 1-2 năm tới đây, có liên quan đến tất cả các chủ thể trên thị trường bất động sản.

"Những đối tượng chịu tác động sẽ bao gồm chủ đầu tư dự án; người mua nhà; nhà môi giới; nhà thầu xây lắp; các đơn vị tư vấn; các đơn vị sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất; các tổ chức tín dụng; người cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng; làm giảm sự đóng góp của lĩnh vực bất động sản vào tăng trưởng GDP và làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước", ông Châu nhận định.

Trao đổi với Dân trí, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư Vấn, Savills Hà Nội cho rằng, do Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn từ việc phòng chống dịch Covid-19 làn sóng thứ nhất nên mức độ tác động của làn sóng thứ 2 đến phân khúc động sản nhà ở có thể sẽ nhẹ hơn.

Trả lời câu hỏi liệu giá bất động sản nhà ở có giảm từ giờ đến cuối năm hay sẽ vẫn tăng bất chấp đại dịch như những tháng đầu năm, bà Hằng nói: Đầu tư bất động sản luôn mang tính dài hạn. Quỹ đất đô thị có hạn. Nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn về dài hạn luôn gia tăng. Giá bất động sản trên thị trường thứ cấp tại các đô thị này được đánh giá là sẽ ổn định.

Trong khi đó, tại thị trường sơ cấp (người mua có thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư), tốc độ bán hàng chậm hơn trước đây; thời gian xây dựng có thể bị ảnh hưởng do Covid-19; sự không chắc chắn về diễn biến của dịch này; kỳ vọng gia tăng của khách hàng về chất lượng, tiện ích dự án cùng một số nguyên nhân khách quan khác khiến chi phí vốn có thể tăng lên. Đây là cơ sở cho thấy giá nhà ở trên thị trường sơ cấp này khó có thể giảm so với mặt bằng chung.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm